Non nước Việt Nam

Tưng bừng lễ hội Óoc-om-bok 2009

Cập nhật: 30/10/2009 10:11:47
Số lần đọc: 5859
Người dân tộc Khơmer theo Phật giáo Nam Tông ở Ðồng bằng sông Cửu Long hàng năm có đến vài chục lễ nghi, trong đó có 3 lễ truyền thống của dân tộc. Lễ mừng năm mới, mừng tuổi (Chol - chnam Thmay) lễ cúng ông bà (Đon - ta), lễ cúng trăng (Óoc-om-bok).

Lễ Óoc -om-bok đúng vào rằm tháng 10 âm lịch, còn gọi là Lễ cúng cúng thần mặt trăng, cầu thần phù hộ cho một mùa vụ bội thu và cho sự ấm no của nhân gian. Lúc này lễ vừa mừng mùa cấy trồng, mùa mưa kết thúc, vừa là lễ hết một năm. Óoc-om-bok cử lễ vào ngày rằm, ngày trăng tròn sáng nhất. Trong lễ cúng trăng, cốm dẹp là lễ vật quan trọng nhất. Trước lễ cả tháng nhà nhà đã lo chuẩn bị. Họ ra ruộng nếp lựa từng bông lúa chín tới về giã nên mẻ cốm thơm dẻo. Trong lễ Óoc-om-bok, người Khơmer có tục đút cốm dẹp cho trẻ con được hưởng cốm cúng trăng. Người già đút cốm cho từng đứa trẻ rồi vỗ lưng chúng hỏi con ước mơ gì? Từng đứa trẻ nói lời mơ ước. Người lớn nghe xem đó là những "điềm" báo tương lai mùa tới, như một sự báo trước của Trời, Phật.
Dịp lễ Óoc-om-bok cũng là dịp lễ hội đua ghe ngo (umtuk), một lễ hội được tổ chức hằng năm từ mấy trăm năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long. Truyền thuyết kể: Ngày xưa, có một ngày nước lụt đột xuất lên mênh mông giữa giờ Ngọ. Các con sóc vội dùng ghe xuồng nhanh chóng chờ các vị sư đang đi khất thực về chùa. Về sau người ta tổ chức đua ghe ngo để nhớ lại sự tích  đó...
Lễ hội đua ghe ngo ngày xưa được mở tại vàm sông Sóc Trăng (còn gọi là sông Maspero). Ðến kì hội ghe chở sư sãi, chở lương thực, chở người xem kéo tới chật hai bên dòng sông. Các ghe đua tới tự bắt cặp đua từng đôi. Ngoài đua ghe còn dàn Khán võ, còn tổ chức hát Dù kê, kịch Rô băm...



Từ năm 1977, lễ hội đua ghe được tổ chức với quy mô lễ hội văn hoá thể thao cấp toàn quốc tại Sóc Trăng. Những chiếc ghe ngo là vật dụng sinh hoạt văn hoá được chế tạo, bảo quản ở trong chùa của sóc (xã). Chiếc nào chiếc nấy sơn phết, trang trí rực rỡ, đầu đuôi cong vút, oai nghiêm dáng con vật mang biểu tượng của chùa. Những rồng vàng, bạch tượng, bạch mã, ó biển, sư tử. Những thân ghe như thân rồng, rắn, cá sấu lội sông dài 25m, 58m, 60m, vận động viên (con dầm) đua ghe là những thanh niên được sóc bình chọn vừa có đức vừa có sức khoẻ vào cuộc đua với quyết tâm đem thắng lợi về cho phum sóc.

Những ghe chùa Tam Sóc, Tập Rèn, Chăm Pa, Xẻo Me, Ngan Dừa...là những gương mặt nổi tiếng xưa nay. Trong số này đội ghe ngo chùa Tam Sóc đã được vinh dự đi dự cuộc đua ghe ngo mừng 10 năm giải phóng Cam-pu-chia năm 1998 với các đội ghe ngo của nước chủ nhà và nước Lào.

Ðây là cuộc thi ghe ngo duy nhất có mặt 3 đội của 3 nước Ðông Dương từ xưa đến nay. Ðội ghe ngo Tam Sóc đoạt giải nhất - các báo nước bạn tán dương vô địch Ðông Dương. Người Khơmer quan niệm mỗi ghe ngo đều có thần ghe... Hầu như các thần là các Niềng. Nhưng trước đây phụ nữ bị cấm kị không được tới gần nhà ghe (nông tuk) ở chùa, họ càng không có cơ hội làm con dầm. Từ 1992 đến nay đã xuất hiện các đội đua ghe ngo nữ của huyện Kế Sách, huyện Long Phú...làm cho lễ hội thêm hào hứng.



Ở đồng bằng sông Cửu Long, đua ghe ngo là một trong những hoạt động lễ hội thể thao thu hút khán giả nhất. Mỗi kỳ đua ghe có tới 2,5 vạn, 3 vạn người đổ về thị xã Sóc Trăng để xem.

Năm nay nhuận nên Lễ hội Oóc-om-boc diễn ra vào dịp rằm tháng 9 âm lịch. Đêm trước Lễ hội chính thức (thường là đêm 14/10), các gia đình tổ chức lễ cúng. Đồ cúng là các sản phẩm của đồng quê, trong đó không thể thiếu món cốm dẹp. Sau đó, mọi người về các ngôi chùa để tham gia các trò chơi, thả đèn gió, đèn nước, nghe hát rô băm, múa lăm vông…



Lễ hội Óoc-om-bok năm nay có liên hoan nghệ thuật quần chúng Khmer và trang phục 3 dân tộc Kinh-Khơmer-Hoa. Dịp này du khách sẽ được thưởng thức các tiết mục ca, múa, hát aday đối đáp, chom pây-chom riêng, độc tấu-hòa tấu nhạc cụ dân tộc Khơmer... Các điểm du lịch nổi tiếng ở Sóc Trăng như Chùa Dơi, chùa Chén Kiểu, chùa Khleng, chùa Đất Sét được trang hoàng lộng lẫy. Các loại đặc sản cốm dẹp Đại Tâm, bánh pía Vũng Thơm, bánh in Cổ Cò, heo quay Bãi Xàu, bún nước lèo, mắm Bò-hoóc của người Khmer lại thơm lừng khắp nơi.

Từ ngày 26/10 đến ngày 1/11/2009, tại thành phố Sóc Trăng đã diễn ra  tuần Lễ hội Óoc-om-bok của dân tộc Khmer nam bộ. Trong Lễ hội này có  Hội chợ Triển lãm Lễ hội Óoc-om-bok Sóc Trăng 2009, đua ghe ngo truyền thống của dân tộc Khmer Nam bộ.

Hội chợ Triển lãm Lễ Hội Óoc-om-boc đã được Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh Sóc Trăng tổ chức. Tham gia hội chợ năm nay có trên 180 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký trưng bày trên 430 gian hàng các loại.

Ngoài Hội chợ triển lãm thương mại - du lịch, tỉnh Sóc Trăng còn tổ chức nhiều hoạt động phục vụ đồng bào Khmer nhân lễ hội cổ truyền với nhiều hình thức phong phú như: Triển lãm chuyên đề tranh ảnh nghệ thuật; hình ảnh về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào Khmer tại Bảo tàng tỉnh; triển lãm hình ảnh các dân tộc thiểu số Việt Nam và thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh tại công viên Giải phóng; tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục của người Hoa tỉnh Sóc Trăng. Đặc biệt trong hai ngày 31/10 và 1/11, tại trường đua ghe ngo trên sông Sóc Trăng sẽ có cuộc đua ghe ngo với sự tham gia của 10 đội ghe ngo nữ và 30 đội ghe ngo nam đến từ các chùa Khmer tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo nguyện vọng của nhân dân, lễ hội Oóc-om-bóc của đồng bào dân tộc Khơmer Sóc Trăng năm 2010 tới đây sẽ được nâng cấp thành Festival
Óoc-om-bok, mừng Đại lễ Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.

 

 

 

Nguồn: Website VnMedia

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT