Hành trang lữ khách

Sương mờ Tam Đảo (Vĩnh Phúc)

Cập nhật: 12/11/2009 14:23:46
Số lần đọc: 2585
Cách Thủ đô Hà Nội 60km về phía Bắc, tỉnh Vĩnh Phúc thuộc miền trung du Bắc bộ. Ở Vĩnh Phúc có đồi núi thấp và đồng bằng xen kẽ nhau sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy và sông Cà Lồ chảy qua.

Núi Tam Đảo dài khoảng 80km, rộng từ 10-15km trải dài theo trục Tây Bắc- Đông Nam được biết đến từ đời Lý-Trần (thế kỷ 13) và được người Pháp phát hiện cách đây hơn một trăm năm (1904). Người Pháp mệnh danh Tam Đảo là “Hòn ngọc Đông Dương” và xây dựng ở đó 200 biệt thự, khách sạn, nhà hàng, sân chơi thể thao, bể bơi, sàn nhảy. Quần thể núi với 3 ngọn núi hùng vĩ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, vươn lên trời xanh, sừng sững trong biển sương mù như 3 hòn đảo: Bàn Thạch ở giữa, cao 1.338m, bên trái là đỉnh Thiên Nhị (Chợ Trời) cao 1.375m và bên phải là đỉnh Phù Nghĩa cao 1.400m.

Thời tiết Tam Đảo giống thời tiết ở cao nguyên Lâm Viên (Tây Nguyên), hay Sa Pa (Tây Bắc). Một ngày ở Tam Đảo có khí hậu đủ 4 mùa trong năm. Khi chiều xuống, thị trấn Tam Đảo thơ mộng, yên tĩnh, mơ màng ẩn hiện trong làn sương mờ ảo đẹp như tranh. Tại Tam Đảo có Thác Bạc với dòng nước trắng xóa như dải lụa từ trên trời buông xuống, có Đền Bà Chúa Mẫu Thượng Ngàn thâm nghiêm, u tĩnh, luôn ngan ngát khói hương với nhiều người thành tâm khấn nguyện.

Du khách thích hành trình khám phá, sẽ leo núi, chinh phục đỉnh cao nhất của Tam Đảo - đỉnh Phù Nghĩa, du khách vượt qua cầu Đãi Tuyết đến với Am Gió thâm u, vượt dốc thang Mây cheo leo, sẽ gặp hồ Xạ Hương tuyệt đẹp...

Danh thắng Tây Thiên (Tam Đảo) là một quần thể gồm nhiều di tích có liên quan đến buổi bình minh dựng nước với truyền thuyết - Nữ Chúa Tam Đảo Năng Thị Tiêu là một trong bảy tiên nữ được Ngọc Hoàng Thuợng Đế sai xuống hạ giới để chữa bệnh, cứu độ chúng sinh. Bà đã kết duyên với vua Hùng Vương thứ 6 (Lang Liêu) và được sắc phong là Quốc Mẫu Tây Thiên.

Cụm di tích Tây Thiên gồm có đền Chân Suối, đền Dầu, đền Cả, đền Thỏng, đền Cô, đền Cậu, chùa Đồng Cổ. Đường lên Tây Thiên khá hiểm trở, du khách phải vượt qua nhiều khe, suối sâu, dốc núi, rừng rậm, lối mòn... Dọc đường phong cảnh núi rừng hoang sơ đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh với tiếng chim hót véo von, đền miếu u nhã, suối chảy róc rách, mây trôi la đà ngang mặt, làm cho khách du lâng lâng như thoát tục... Khu thắng tích này được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1991. Chùa Đồng Cổ cách Tây Thiên chừng 1,5km, có 2 pho tượng đồng quí hiếm từ xưa còn lưu giữ tại đây.

Giã từ Tam Đảo, xuôi về phía Nam đến Đại Lải để thư giãn cùng với thiên nhiên, non xanh nước biếc.

Du khách cũng có thể đến Đại Lải theo quốc lộ 2 nếu từ Hà Nội lên, thời gian chừng non một giờ. Hồ Đại Lải nằm sát phường Xuân Hòa thị xã Phúc Yên (Mê Linh). Hồ rộng 525 ha, chung quanh có những cánh rừng xanh bạt ngàn, những thung lũng tự nhiên, các triền đồi bát úp cùng các hẻm núi nhô ra tạo nên những doi, vịnh, xinh tươi thơ mộng. Du khách sẽ thích thú phát hiện ra nhiều cảnh quan kỳ thú khi bơi thuyền luồn lách, len lỏi trong những hẻm núi vẫn còn nguyên nét hoang dã.

Từ hồ Đại Lải nhìn về hướng Bắc sẽ thấy dãy Tam Đảo mờ ảo trong sương. Xung quanh hồ có hơn 9.000 héc-ta rừng cây phòng hộ. Đứng trên đỉnh núi Thằn Lằn ở phía Nam hồ Đại Lãi, du khách có thể nhìn thấy Thủ đô Hà Nội lô nhô, lấp loáng, yên bình ở phía chân trời xa.

Những ngôi biệt thự có phong cách kiến trúc phương Tây khuất mình dưới những rừng cây luôn hấp dẫn ven hồ dưới chân núi Tam Đảo có khu bảo tồn thiên nhiên, rất nhiều đàn chim hoang dã bay về ngụ cư. Chiều đến, hàng ngàn cánh chim bay về tổ, mặt hồ yên ả trong ánh nắng nhuộm ngàn cây cỏ, tiếng thông reo vi vu tạo nên những giây phút tuyệt vời.

Nguồn: website báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục