Hành trang lữ khách

Những tinh hoa của di sản đất Quảng

Cập nhật: 16/11/2009 09:11:57
Số lần đọc: 2238
Quảng Nam là nơi hội tụ, giao lưu và tiếp biến nhiều nền văn hóa khác nhau như Văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ ở đồng bằng Bắc Bộ, Văn hóa Sa Huỳnh ở vùng duyên hải và bán sơn địa miền Trung thời tiền sử và sơ sử; Văn hóa Chăm, Văn hóa Đại Việt... thời Cổ và Trung đại.

Trên nền lịch sử đó, các dân tộc sinh sống nơi đây đã thừa hưởng và sáng tạo nhiều di sản văn hóa của nhiều thời đại. Các di sản đó đang được lưu giữ tại các di tích, các bảo tàng địa phương, bảo tàng tỉnh. Cuộc trưng bày hiện vật Bảo tàng qui mô trong khuôn khổ “Tuần văn hóa- du lịch Quảng Nam tại Hà Nội hướng đến 1000 năm Thăng Long” (từ ngày 20-25.11.2009) là cơ hội để giới thiệu đến công chúng Thủ đô những tinh hoa của kho tàng di sản đất Quảng.
 
Văn hoá Sa Huỳnh là nền văn hóa tiền sơ sử cách nay 2.000 đến 2.500 năm trên đất Quảng Nam. Hiện nay có trên 50 di chỉ văn hoá Sa Huỳnh phát hiện ở Quảng Nam, phân bố nhiều nơi trong địa bàn tỉnh nhưng chủ yếu ở lưu vực sông Thu Bồn, đó là di chỉ Tam Mỹ, gò Đình, Bàu Trám, Tiên Hà, Thạch Bích, gò Mã Vôi, Lai Nghi... Hiện vật của Văn hóa Sa Huỳnh khá phong phú như mộ chum, nồi gốm, các công cụ và vũ khí bằng sắt, khuyên tai ba mấu, khuyên tai hai đầu thú, hạt cườm, mã não... Qua nghiên cứu các di tích văn hoá Sa Huỳnh giai đoạn muộn ở đây có mối liên hệ mật thiết giữa chủ nhân văn hoá Sa Huỳnh và cư dân cổ Chămpa ở giai đoạn đầu Công nguyên.

Là vùng đất cổ Amaravati của Vương quốc Chămpa, Quảng Nam có nhiều di tích kiến trúc nổi tiếng. Ngoài khu đền tháp Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới vào năm 1999, nơi đây còn có kinh đô Trà Kiệu, Phật viện Đồng Dương, các nhóm tháp Chiên Đàn, Khương Mỹ, Bằng An, phế tích An Phú, An Mỹ, Phú Hưng.... Các tác phẩm điêu khắc như thần Siva, sư tử đầu voi (Gajasimha), bệ yôni và cột lin ga đang được lưu giữ trong các đền tháp và nhà trưng bày Khe Thẻ, lần đầu tiên được tuyển chọn và mang đi trưng bày tại Hà Nội. Nhiều bức tượng, phù điêu có giá trị nghệ thuật được phát hiện ở các phế tích, di tích như tượng nam thần, tu sĩ Bàlamôn, đặc biệt là phù điêu kinari thể hiện trên lá đề cũng sẽ được giới thiệu với công chúng Thủ đô.

Trên vùng đất Quảng, ngoài nền Văn hóa Sa Huỳnh thời tiền sơ sử, văn hóa cổ đại Chămpa rực rỡ còn có dấu ấn văn minh Đại Việt. Năm 1471, nhiều người Việt theo chân vua Lê Thánh Tông vào khai khẩn vùng đất Quảng Nam. Người Việt ở Quảng Nam đã tạo nên những giá trị văn hoá đặc sắc. Hội An- đô thị -thương cảng quan trọng nhất của xứ Đàng Trong đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá Thế giới năm 1999... Các công trình kiến trúc cổ còn tồn tại ở Hội An có niên đại vào khoảng từ thế kỷ XVII đến XIX. Sự kết hợp nghệ thuật kiến trúc Việt - Hoa đã tạo nên một giá trị văn hoá riêng của Hội An. Người Quảng phát triển các làng nghề truyền thống như đúc đồng, mộc, gốm, ươm tơ, dệt lụa, đan lát, làm trống...

Qua việc phát hiện và khai quật con tàu đắm tại khu vực biển Cù Lao Chàm đã minh chứng cho sự tồn tại một thời “Con đường gốm sứ trên biển” gắn với thương cảng Hội An. Con đường này đã góp phần phát triển kinh tế và đưa văn hóa Đại Việt đến với bên ngoài. Các cuộc khai quật trước đây ở ngoài khơi Cù Lao Chàm, các chuyên gia đã trục vớt từ con tàu cổ bị chìm dưới đáy đại dương được 340 nghìn cổ vật, trong đó có 250 nghìn còn nguyên vẹn với trên 40 loại hình khác nhau, chủ yếu là gốm sứ Chu Đậu. Những cổ vật từ lòng biển luôn quyến rũ giới yêu đồ cổ bởi kiểu dáng, hoa văn trang trí, màu men và kỹ thuật chế tác. Những chiếc đĩa, chiếc lọ, chiếc bình nhiều kiểu dáng và nhiều màu sắc, hoạ tiết đẹp là bộ sưu tập hiện vật gốm sứ giá trị của Bảo tàng Quảng Nam.

Cùng với cư dân Đại Việt, trong quá trình sinh sống và phát triển, các tộc người thiểu số ở Quảng Nam cũng đã từng bước khẳng định được mình và góp phần làm phong phú thêm cho Văn hoá Quảng Nam những giá trị đặc trưng của các dân tộc như Cơ-Tu, Giẻ-Triêng, Ca-dong, Cor. Mỗi một tộc người có những nét văn hoá riêng, gồm vật thể và phi vật thể, với bộ sưu tập hiện vật dân tộc học gồm công cụ sinh hoạt, săn bắt hái lượm, nhạc cụ, trang phục, trang trí, điêu khắc, nhà mồ, đàn đá....

Bộ sưu tập hiện vật Bảo tàng Quảng Nam là tinh hoa trong kho tàng di sản của đất Quảng hướng đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội 2010.

Nguồn: Báo Văn Hóa

Cùng chuyên mục