Hành trang lữ khách

Lễ A Riêu Piing của người Pakô

Cập nhật: 16/11/2009 15:11:30
Số lần đọc: 2230
Tình cờ, chúng tôi được chứng kiến trọn lễ A Riêu Piing của người Pakô - dân tộc anh em thứ 55 sắp được công nhận ở xã Hồng Trung, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-H). Đây là lễ hội lớn nhất của người Pakô, được tổ chức 5 năm, thậm chí 10 năm một lần.

A Riêu Piing của người Pakô là một hình thức gần với lễ Thanh Minh của người Kinh với việc làm mới nhà mồ cho những người đã mất. Người Pakô, cũng như các dân tộc anh em khác ở miền tây TT-H như Tà Ôi, Cơ Tu có tập tục khi một người chết đi, họ đem chôn nhưng chỉ chôn tạm thời. Sau 5 - 7 năm, có khi 10 năm tuỳ theo hoàn cảnh, họ lại dời đi chôn ở một nơi khác và lễ này gọi là A Riêu Piing.


A Riêu Piing là dịp để người Pakô thể hiện sự quan tâm, tình cảm của con cháu với ông bà tổ tiên. Cho nên, dù có bận việc gì, ở xa đến đâu, dịp này người làng cũng phải về đông đủ. Ngoài việc báo hiếu, lễ hội còn là dịp để thể hiện sự đoàn kết gắn bó giữa các làng Pakô với nhau qua việc khi một làng nào đó tổ chức thì các già làng, người của các làng khác cũng được mời dự một cách trang trọng.


Theo truyền thống Pakô, khách mời có vai trò quan trọng trong các nghi thức và trở thành đoàn thực hiện chủ đạo các hoạt động chính của lễ hội. Chính sự hiếu khách đã trở thành một nguyên tắc cho sự công nhận lễ hội A Riêu Piing của một làng được tổ chức thành công và đúng truyền thống. Khách thì có khách của làng, khách của thanh niên và khách của các họ tộc.

 

A Riêu Piing bắt đầu bằng việc đào mộ những người đã chết, bỏ hài cốt vào trong những cái tiểu, sau đó đem bỏ vào theo trật tự và thứ bậc dòng họ trong một cái lán được dựng lên ở gần ngoài khu dân cư của làng. Đây là không gian để người sống làm lễ thể hiện lòng thành, cũng như cầu xin tha thứ cho những lỗi lầm mà họ mắc phải giữa người sống và người chết. Cùng lúc tại sân trung tâm của làng - nơi diễn ra lễ hội, trâu, bò và dê đã được các họ trong làng mang đến cột đầy các cây cột giữa sân để chuẩn bị cho lễ hội đâm trâu.


Sau khi hoàn tất các bước chuẩn bị, người làng ra đường để đón các đoàn khách các làng bên. Già làng của chủ nhà đi trước dẫn đường, các già làng và đoàn nhạc lễ của làng đi theo sau. Đến gần đầu làng, già làng  mở  tiệc rượu đón chào. Tiệc tàn, chủ - khách lại tập hợp thành đoàn, vừa đi vừa tấu nhạc, hướng về sân trung tâm lễ hội để múa đâm trâu.


Họ múa vòng quanh sân trung tâm. Những thành viên trong đoàn múa không có nhạc cụ thì phải múa theo điệu A-zưng: Chân giậm dừng và xoay xoay trên 2 mũi bàn chân; tay thì vừa múa vừa hạ thấp. Trong khi đó, những thành viên có nhạc cụ thì múa theo tiếng nhạc mà mình đang trình diễn...


Tiếp theo, cả đoàn lại đến sân trung tâm để thực hiện nghi lễ đâm trâu. Nghi lễ đâm trâu là thể hiện sự cam kết tình cảm giữa làng với làng, người với người, người với thần linh, họ tộc với họ tộc. Sau khi trâu được đâm chết, một người phụ nữ cầm tấm khăn choàng ra phủ lên đầu chúng và chúc phúc cho chúng vì chúng đã mang lại may mắn, đoàn kết cho làng.


Xong nghi lễ đâm trâu, mọi người trở về nhà mình để xẻ thịt trâu, bò, dê... cúng tế tổ tiên. Đến nửa đêm, mọi người lại tập trung để thực hiện lễ Ra-zoọc - nghi thức mừng cho sự chuyển giao thời gian giữa đất trời và con người, là cơ hội gắn kết các tầng lớp, các lứa tuổi, các làng Pakô lại với nhau. Một đoàn múa và tấu nhạc gọi là đoàn Ra-zoọc, sẽ di chuyển từ sân trung tâm về cái lán có hài cốt bên ngoài làng. Sau khi đi một vòng quanh lán, họ chia thành từng nhóm và đi đến các nhà gần đó để múa hát trước cửa nhà và nhận từ tay chủ nhà những cái bánh nếp cùng những bát rượu lớn.


Sau một lượt đi nhận sự chia sẻ của các chủ nhà, các nhóm của đoàn Ra-zoọc hướng về sân trung tâm. Một đống lửa được đốt lên cùng với tiếng tâng-cói, tiếng khèn, tiếng xi-xía, tiếng thanh la, tiếng chiêng... vang lên. Cả đoàn nhảy múa một cách tự do tuỳ thích, ưa gì múa nấy. Điều họ hướng đến lúc này là sự hoà đồng giữa người với người, sự hoà nhịp giữa điệu múa và tiếng nhạc, và sự thể hiện hết mình của người tham gia lễ hội...


Tờ mờ sáng hôm sau, mọi người tập trung lại ở cái lán ngoài làng để dâng lễ, khấn nguyện bày tỏ lòng biết ơn và cầu mong được sức khoẻ, làm ăn phát đạt. Xong lễ, mọi người mang theo hài cốt của người thân hướng về một ngọn núi có tên là Tiến Côn. Ở đó, những nhà mồ mới đã được chuẩn bị từ mấy ngày trước để làm nơi yên nghỉ mới và vĩnh viễn cho những người đã khuất...

Nguồn: Báo Lao động

Cùng chuyên mục