Lễ hội giã cốm - Nét văn hóa đặc sắc ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang
Lễ hội giã cốm (khẩu mẩu, lẩu then) của đồng bào dân tộc Tày Chiêm Hoá là lễ hội truyền thống sau mỗi vụ thu hoạch lúa, thể hiện sự biết ơn của người dân đối với đất trời đã cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội giã cốm khẳng định trình độ sản xuất nông nghiệp của bà con, không khuất phục trước thiên tai dịch họa để cho cây lúa trĩu bông, thóc lúa đầy bồ.
Lễ hội được tổ chức hàng năm vào dịp tháng 9, tháng 10 âm lịch, khi lúa nếp cái bắt đầu chắc hạt, gia đình trưởng họ xem ngày lành, tháng tốt, nhờ chị em trong dòng họ nhặt lúa thành cum, đem lạt buộc thành túm nhỏ, đào lò, đan một miếng phên vuông đậy lên miệng lò, chất củi đốt rồi hơ cho lúa chín, để nguội rồi đem vào cối giã thành hạt cốm thơm ngon, để tế dâng lên Ngọc Hoàng Thượng đế và các vị Thần linh. Đây coi như một lễ báo công tạ ơn Ngọc Hoàng Thượng đế và các vị Thần đã ban cho muôn dân mùa màng tốt tươi, mọi nhà no ấm.
Không chỉ có vậy, lễ hội giã cốm còn là dịp để các đôi trai làng, gái bản đua sức đua tài, tìm bạn kết duyên. Với nhịp chày khua đều đặn, khỏe khoắn tạo thành những âm điệu rộn ràng vang vọng khắp núi rừng làng bản với hai người cầm trịch, tiếng Tày gọi là “khửn khèng”, và bên nam bên nữ thi nhau giã gọi là “kéng mưởn”. Âm thanh chuyển điệu thành ba nhịp, nhịp đầu gọi là "kéng mưởn", có nghĩa là giã mướn, nhịp hai "tắm húc" có nghĩa là dệt vải, nhịp ba gọi là "khắp kha" có nghĩa là kẹp chân. Cứ ba nhịp chuyển điệu đều đặn suốt canh này sang canh khác có khi còn đến sáng.
Lễ hội giã cốm tại đêm văn nghệ dân ca, trình diễn thời trang các dân tộc "Âm vang Bản Ba" có thể nói là một điểm nhấn, nét tươi mới trong các lễ hội ở Chiêm Hóa. Với những nghi thức truyền thống, lễ hội giã cốm thể hiện sức sống, tinh thần lễ hội đặc sắc mang lại cho những du khách và cả những người dân bản địa được sống trong một cảm giác linh thiêng. Những nhịp giã chuyển điệu rộn ràng làm xốn sang lòng người, tạo nên nét đặc sắc của riêng một lễ hội có từ lâu đời.