Non nước Việt Nam

Lể cúng thần Lửa, thần Chiêng của người Cơ Ho ở Tây Nguyên

Cập nhật: 13/11/2009 13:45:33
Số lần đọc: 3336
Với dân số trên một trăm ngàn người, đồng bào Cơ Ho là một trong bốn dân tộc có dân số đông trong các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên. Cũng như các dân tộc anh em sinh sống trên vùng đất Tây Nguyên, người Cơ Ho còn bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Một trong những biểu hiện độc đáo đó là lễ cúng gọi thần Chiêng và lễ cúng gọi thần Lửa trong các dịp buôn làng mở hội…

Trong quan niệm của người Cơ Ho, vũ trụ bao gồm ba tầng: tầng trời, tầng người sống và tầng người chết. Cao nhất trên cùng chính là tầng trời, nơi cư ngụ của các vị thần linh. Đứng đầu trong các vị thần ấy là Yàng N’Du - vị thần khai sáng và quyền năng tối thượng. Bên dưới thần N’Du là các vị thần khác ngự trị bao đời nay trong đời sống tâm linh của người Cơ Ho như: thần Lúa (Yàng Coi), thần Đất (Yàng Tía), thần Mặt Trời (Yàng Măt Tơ Ngai), thần Nước (Yàng Đạ), thần Núi (Yang Pnâm)… và thần Lửa.

 

 

Ngọn lửa với người Cơ Ho là ngọn lửa thiêng. Cũng như trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc khác, lửa đã thắp sáng tâm linh của người Cơ Ho bằng những giá trị thiêng liêng của nó. Và vì vậy, họ hướng về ngọn lửa như hướng về một thế giới huyền bí từ bao đời nay giữa không gian núi rừng. Trong những đêm trường gió hú, ngọn lửa hiện hữu xua tan tăm tối, và góp thêm vào những tầng giá trị văn hóa của cư dân sống nơi núi rừng. Chính vì vậy, trong những dịp buôn làng mở hội, lễ cúng gọi thần Lửa được diễn ra với những nghi thức đặc biệt thiêng liêng...

 

Buổi lễ cúng gọi thần Lửa đã được chuẩn bị từ những ngày trước. Đêm hành lễ bắt đầu với sự tụ họp của dân làng ở nơi trang trọng nhất trong buôn. Ba hồi kenưng (tù và) cất lên làm xao động cả một góc rừng, báo hiệu buổi lễ bắt đầu. Một vòm sáng bừng lên như từ cổ tích, già làng đứng giữa vùng ánh sáng duy nhất ấy với gương mặt quắc thước và mái tóc bồng bềnh như sóng. Dân buôn hướng dồn mắt về phía già làng, hướng mắt về không gian thiêng và lắng nghe tiếng cầu khấn của già làng cũng là tâm nguyện của cả cộng đồng. Lời khấn Yàng của già làng chính là thông điệp cầu an của người Cơ Ho trong những buổi hành lễ: “Ơ…ơ…Yàng…! Hỡi thần Lửa linh thiêng…! Khắp bốn phương Ngài đang ở đâu? Đang trú ngụ ở những cánh rừng phía đông hay thung lũng phía tây - Dù Ngài có ở xa cách năm ngọn đồi, bảy con suối - Chúng con đang làm lễ cúng Ngài - Tre nứa chúng con để sẵn - Đá thiêng chúng con để sẵn - Củi rơm chúng con để sẵn - Chờ Ngài cho lửa - Ngọn lửa sẽ giúp xua đi màn đêm tăm tối - Đem ánh sáng và may mắn về cho buôn làng - Hỡi thần Lửa linh thiêng!…”. Sau lời khấn, chính tay già làng giết gà, trâu, heo hoặc dê hiến tế, dùng máu con vật hiến sinh bôi lên những ngọn đuốc đã được chuẩn bị chờ sẵn và cọ hai thanh tre vào nhau để phát ra ngọn lửa. Lửa từ tay người già truyền cho một chàng trai trẻ khỏe mạnh và giỏi giang. Ngọn lửa sáng lên giữa đêm trường núi rừng, thắp sáng mọi ngõ ngách tối tăm, ngọn lửa được chia về với từng bếp lửa cộng đồng. Và, thần Lửa đã chứng kiến, tiếp nhận lời khẩn cầu và cho phép đêm hội bắt đầu…

 

Cồng chiêng đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và người Cơ Ho nói riêng có mặt trong đời sống của họ từ ngàn đời nay. Cồng chiêng không chỉ là một nhạc cụ đặc sắc và độc đáo mà còn là một linh vật. Đồng bào Cơ Ho tin rằng, trong mỗi mặt chiêng đều có sự ngự vì của thần linh, chiêng càng cổ xưa thì sức mạnh của thần linh càng lớn. Âm thanh cồng chiêng được xem là ngôn ngữ diệu kỳ để con người giao cảm với các vị thần của họ. Thần Chiêng có thể bảo hộ, trợ giúp con người được ấm no, hạnh phúc nhưng cũng có thể giận giữ, trừng phạt nếu ai đó xúc phạm đến sự thiêng liêng của thần. Chiêng hiện hữu trong mọi ngóc ngách đời sống của người Cơ Ho và trong mỗi giai đoạn của mỗi cuộc đời. Chiêng đến với người lúc hạnh phúc, sướng vui và khi khổ đau, bất hạnh chiêng cũng đến để chia sẻ, vỗ về. Chiêng rung nhịp vui khi làng buôn được mùa bội thu, dựng nhà mới, đón khách quý, mừng công dân mới ra đời…Chiêng não nề khóc đưa linh người già tạ thế, chiêng than thở khi làng buôn gặp chuyện không vui…Trong dân ca Cơ Ho có khúc hát rất hay để diễn tả tiếng chiêng: “Tiếng chiêng nhỏ, chiêng to - Cồng con, cồng mẹ hòa vào nhau - Như mưa như gió - Lúc nghe nhẹ như nước chảy - Lúc nghe êm dịu như gió chiều - Lúc nghe ầm ầm như thác đổ - Như sấm rền tháng tám - Đánh to, tiếng chiêng luồn vào rừng sâu, bò lên núi cao - Đánh chậm, tiếng chiêng trườn trên đồng cỏ - Thú rừng quên ăn, quên uống - Ngẩng đầu nghe tiếng chiêng…”.

 

 

 

Khi quan niệm trong mỗi mặt chiêng đều có sự ngự trị của thần Chiêng thì người Cơ Ho trên miền núi cao cũng hành lễ cúng gọi thần trước ngày làng buôn mở hội. Cũng tương tự nghi thức trong lễ cúng gọi thần Lửa, gìa làng lại cất lời khấn Yàng: “Ơ…ơ…Yàng…! Hỡi thần Chiêng linh thiêng - Đang ngự trong các chiêng to, chiêng nhỏ, chiêng mẹ, chiêng con - Có cái ăn cái để, biết nói, biết nghe, biết làm theo điều phải là nhờ ơn thần…- Xin đa tạ và mời thần về dự - Ngày mai buôn làng mở hội mừng được mùa - Sẽ có heo, có dê, có trâu tế lễ, có rượu cần ngon để cúng - Xin mời gọi thần về - Buôn làng sẽ rất vui - Xin thần cho hạ giàn chiêng xuống và đánh lên vang dội núi rừng…”. Kết thúc lời khấn, gìa làng dùng máu con vật hiến tế bôi lên mỗi mặt chiêng và quay về hướng cây nêu tuyên bố lời khấn thần Chiêng đã được ứng nghiệm. Giàn chiêng droòng sáu chiếc của người Cơ Ho được hạ xuống. Tiếng chiêng Vang, chiêng R’đơm, chiêng Dờn… đồng loạt ngân lên. Chiêng Me, chiêng Rlum cùng hòa điệu, lúc trầm hùng, lúc bay bổng…

 

Trong những đêm hội của người Cơ Ho, tiếng chiêng luôn rộn rã đồng hành bên ánh sáng ấm áp của những ngọn lửa. Thần Lửa và thần Chiêng hòa hợp bên nhau và sẻ chia với đời sống tâm linh của người Cơ Ho. Lửa sáng đến đâu, âm thanh của chiêng lan tỏa đến đó. Trong những đêm hội, ngọn lửa rực sáng cả một góc núi rừng, giàn chiêng sáu vây quanh bập bùng và vòng người tạo thành vòng xoang xoắn xuýt bên nhau - điệu múa vui của cộng đồng đêm càng về khuya càng thêm rộn rã…

Nguồn: website báo nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT