Gong Prắk- Một loại chiêng quý hiếm của dân tộc M’nông ở Gia Lai
Cũng như các tộc người bản địa khác ở Tây Nguyên, đồng bào M’nông có nhiều loại chiêng khác nhau để phục vụ trong các lễ hội và sinh hoạt của bon làng, dòng tộc. Theo các già làng hiện còn sống ở các bon làng tỉnh Đắk Nông thì trong số các bộ chiêng của đồng bào M’nông, Gong Prắk là một loại chiêng rất đặc sắc và quý hiếm, bởi những âm thanh của nó nên người ta chỉ sử dụng bộ chiêng này trong những dịp quan trọng hoặc những lễ hội lớn của cộng đồng. Tuy nhiên, theo thời gian và những tác động của xã hội nên hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung chỉ còn lại rất ít chiêng Gong Prắk.
Già làng Điểu Gay ở bon Bu N’Drung, xã Đác Búc So, huyện Tuy Đức cho biết: chiêng Gong Prắk đã có từ lâu đời, khi các già làng sinh ra đã nghe tiếng chiêng ngân vang trong các lễ hội của bon làng. Gong Prắk là một loại chiêng nhỏ, có núm, đường kính của chiêng chỉ từ 15-20 cm, mỗi bộ Gong Prắk gồm có 3 chiếc.
Gong Prắk được chế tác từ chất liệu hợp kim đồng nên khác biệt với loại chiêng thường. Là một loại chiêng quý hiếm nên Gong Prắk luôn được chủ nhân giữ gìn rất cẩn thận, thường được cất giấu ở những nơi kín đáo và trang trọng trong ngôi nhà của mình. Mỗi khi bon làng có lễ hội, trước khi đem ra sử dụng người ta phải làm lễ cúng thần chiêng. Lễ cúng thường gồm ché rượu cần và một con gà trống.
Về diễn tấu, Gong Prắk ít khi diễn tấu độc lập mà thường là loại nhạc cụ đóng vai trò mở đầu cho các dàn chiêng và những loại nhạc cụ khác trong lễ hội dân gian. Nghệ nhân M’nông Y Srai, ở bon Bu Pah, xã Trường Xuân, huyện Đác Song cho biết thêm: chỉ ở các lễ hội quan trọng như: lễ sum họp cộng đồng, lễ hội mừng chiến thắng, lễ cúng bon, nhập bon… bà con mới được nghe tiếng Gong Prắk ngân lên, âm thanh của nó cao mà thanh, vang vọng trong một không gian rộng lớn. Nay theo đề nghị của các nghệ nhân nên đoàn nghệ nhân tỉnh Đác Nông tham gia Festival cồng chiêng quốc tế lần này sẽ giới thiệu và diễn tấu chiêng Gong Prắk cho du khách gần xa được thưởng thức âm thanh độc đáo của loại chiêng quý hiếm này.
Theo những người am hiểu về chiêng Gong Prắk thì có một thời gian dài, người ta săn lùng ráo riết loại chiêng này, chính vì thế mà ngày càng hiếm hoi.
Theo điều tra của Bảo tàng tỉnh Đắk Nông thì cả tỉnh hiện chỉ còn từ 3 đến 5 bộ chiêng Gong Prắk, nếu không có phương án bảo tồn sẽ có nguy cơ biến mất. Một trong những chủ nhân của bộ chiêng quý này là chị Thị Mai ở xã Đác N’Drung (huyện Đác Song, tỉnh Đác Nông), con gái của nghệ nhân Điểu Kâu.
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về bộ chiêng quý này, Thị Mai không giấu diếm mà cởi mở cho biết: bộ chiêng này là tài sản qúy giá của dòng họ để lại, tính đến nay bộ chiêng đã truyền lại được 11 đời. Theo ông bà kể lại thì từ xa xưa bộ chiêng này được mua với giá 30 con trâu lớn. Vì vậy, bộ Gong Prắk này là một loại chiêng hết sức quý hiếm còn lưu giữ được đến hiện nay, cần phải bảo tồn.
Thị Mai còn cho biết: ngoài bộ Gong Prắk thì chị còn là chủ nhân của bộ chiêng Gong Rung (bộ chiêng không núm, 5 chiếc thông thường), được truyền lại 6 đời, có giá trị mua là 10 con trâu đực. Trong năm 2005, gia đình chị đã cho Bảo tàng tỉnh mượn để đi trưng bày và trình diễn trong lễ đón nhận bằng công nhận “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại” do UNESCO trao tặng tại tỉnh Gia Lai.
Tham gia Festival cồng chiêng quốc tế lần này, gia đình chị Thị Mai cho các nghệ nhân tỉnh Đắk Nông mượn bộ chiêng Gong Prắk mang đến giới thiệu và diễn tấu để du khách gần xa biết về một loại nhạc cụ độc đáo của đồng bào M’nông còn tồn tại đến ngày nay.