Non nước Việt Nam

Lễ mừng lúa mới của các tộc người J’rai và Bahnar ở Gia Lai

Cập nhật: 05/11/2009 14:01:02
Số lần đọc: 2408
Lễ mừng lúa mới của các tộc người Jrai và Bahnar sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có từ lâu đời và được gìn giữ, phát huy cho tới ngày hôm nay. Đây là bản sắc văn hóa độc đáo và cũng là một trong những lễ hội lớn hàng năm của các tộc người này với mong ước mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng ở các buôn làng có truyền thống sản xuất trên nương rẫy.

Lễ mừng lúa mới của các tộc người Jrai và Bahnar thường diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 11 dương lịch năm trước cho đến tháng 1 năm sau, đây là thời gian rảnh rỗi của con người sau khi đã thu hoạch xong vụ mùa thắng lợi và cũng là thời gian cho đất "nghỉ ngơi" theo tập quán.

Lễ mừng lúa mới thường được tổ chức theo từng buôn làng, sau đó mới tỏa về từng nóc nhà.

Trong quá trình thu hoạch, già làng sẽ quyết định chọn một đám lúa tốt nhất dành để lại và chọn "ngày lành tháng tốt" tổ chức lễ cúng thần Ia Pôm (thần lúa, thần nông nghiệp) ngay tại chân ruộng.

Vào ngày này bà con trong làng đều có mặt, ai cũng có nghĩa vụ đóng góp một phần thức ăn của mình phục vụ buổi lễ, như một vài ché rượu cần hoặc một con gà, miếng thịt...

Thầy cúng (Riu Yang) cùng già làng soạn mâm lễ cúng theo nghi thức và khấn để mong thần Ia Pôm mang lại sự ấm no cho dân làng, không để cho con chồn, con cheo phá hoại mùa màng...

Khoảng 10 người khỏe mạnh trong đám thanh niên, thanh nữ làng được chọn để đại diện dân làng xuống ruộng, từng người tay nắm lấy từng bụi lúa. Sau mỗi lời khấn của thầy cúng, đám thanh niên giơ cao bó lúa lên trời và đồng thanh hô, hát và múa theo, thể hiện cảnh tượng vừa thiêng liêng lại vừa ấm áp tình đoàn kết của cộng đồng.

Lễ cúng mừng lúa mới diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ, sau đó đến đốt lửa và cồng chiêng nổi lên âm vang khắp một vùng. Mọi người đều ăn uống no say và vui chơi tại chỗ qua ngày thứ hai, thậm chí đến ngày thứ ba mới ra về.

Sau khi lễ hội chung của làng kết thúc, bà con lại tiếp tục lễ cúng mừng lúa mới theo từng nóc nhà. Nhà nào khá giả thì giết lợn (có thể vài con) và mời cả thầy về cúng lễ, sau đó chia thịt cho những nóc nhà lân cận cùng ăn. Có nhà thì đơn giản hơn với một miếng thịt nhỏ, chai rượu mua và tự cúng thần Ia Pôm.

Dù lễ cúng lớn hay nhỏ thì điều quan trọng nhất là mâm cơm phải bằng được nấu bằng hạt lúa mới.

Theo các tài liệu có được, Hội mùa của các tộc người Jai và Bahnar là một trong những lễ hội ra đời sớm nhất trong các lễ hội của các tộc người ở vùng Tây Nguyên, gắn liền với nền sản xuất nương rẫy tự cung tự cấp.

Hội mùa không chỉ có nghi thức cúng lễ mà còn là sự giao hòa giữa con người với con người, giữa người với thiên nhiên-cảnh vật. Cộng đồng coi đây là sự tồn tại không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của đời người.

Ngày nay, lễ hội mừng lúa mới ở các buôn làng không còn diễn ra linh đình trong nhiều ngày như trước nữa, bà con đã ý thức được việc tiết kiệm và giữ gìn sức khỏe nên đã rút ngắn lại chỉ một ngày, thậm chí chỉ một buổi.

Lễ mừng lúa mới sẽ được phục dựng lại tại Công viên văn hóa Đồng Xanh trong chương trình hoạt động của đại lễ Festival Cồng chiêng quốc tế lần thứ I diễn ra tại thành phố Pleiku vào trung tuần tháng 11/2009 này.

Hơn 100 người dân tộc Jrai ở làng Mơ Rông Yố thuộc xã Ia Ka (huyện Chưpảh) trực tiếp tham gia tái hiện lễ hội với quy mô tưng bừng và hoành tráng bên mái nhà rông mới được xây dựng trong khuôn viên rộng và thoáng mát.

Những người tham gia đều ăn mặc theo trang phục của người Jrai, đội cồng chiêng của làng sẽ biểu diễn những bài chiêng hay của các chàng trai và điệu múa Xoang đẹp, uyển chuyển của các cô gái.

Ông Nguyễn Trần Hanh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch-Văn hóa cho biết: Sự tái hiện lễ mừng lúa mới diễn ra trong vòng một buổi, không những chỉ phục vụ cho du khách đến tham quan trọng dịp festival mà còn là điều kiện để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo này của tộc người Jrai và Bahnar. 

Nguồn: website Vietnamplus

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT