Nhìn ra thế giới

Tretiakov - Hòn ngọc của Matxcơva (Nga)

Cập nhật: 18/11/2009 14:56:30
Số lần đọc: 3130
Đó là danh hiệu mà giới văn hóa và nhiều nhà tạo hình thế giới dành cho Viện Bảo tàng mỹ thuật quốc gia Nga mang tên Tretiakov, nằm ngay trung tâm thủ đô Matxcơva. Đây được xem là nơi hội tụ nền hội họa đậm đà bản sắc Nga lớn nhất đất nước.

Tretiakov được hình thành từ năm 1856 bởi ý tưởng của một thương gia và kiêm luôn chủ xưởng dệt Pavel Tretiakôp. Mới tròn tuổi 24 mà đã có ý tưởng thật tuyệt vời. Ông bắt đầu sưu tầm những bức tranh nổi tiếng đầu tiên và ông đã dám bỏ đi 40 năm tuổi đời của mình cho việc thành lập nhà bảo tàng mỹ thuật này. Đối với ông, nó phải chứa đựng thật đầy đủ bản sắc, tính cách và lịch sử dân tộc và phải là tấm gương phản chiếu sự phát triển nền nghệ thuật vĩ đại của đất nước. Pavel Tretiakôp thường xuyên gặp gỡ để xin lời khuyên, cũng như kinh nghiệm của nhà phê bình Vldamir Xtasôv, danh họa Llia Rêpin, bậc thầy hội họa nổi tiếng Piôt Tsixchiacôv... Tretiakôp luôn tỏ ra là người sưu tầm và chơi tranh rất sành điệu. Họa sĩ tranh chân dung xuất sắc Ivan Kramskoi đã đặt cho ông biệt danh là “thần” cảm thụ hội họa. Ông có khả năng cảm thụ rất sâu sắc từ vẻ đẹp màu sắc đến đường nét bức tranh, chỉ qua một tác phẩm đầu tay của họa sĩ trẻ nào đó “chân ướt chân ráo” bước vào nghề, ông có thể dự đoán được tài năng hội họa tương lai của người đó và cũng từ chính điều này khiến ông nổi tiếng trong giới họa sĩ trẻ nước Nga thời đó.

 

Mỗi năm, số lượng khách tham quan phòng tranh Tretiakov lại càng nhiều. Ngay từ đầu thế kỷ 20 đã có nhu cầu mở rộng, nâng cấp bảo tàng và công việc này được hoàn thành cuối năm 1996, khi Tretiakov tròn 100 tuổi, xây dựng thêm hai khu nhà mới, một khu bảo quản và một khu nhà triển lãm. Nhà thờ của thế kỷ 16 nằm trên địa phận bảo tàng cũng được phục chế và hình dáng ban đầu của mọi công trình lịch sử được hoàn toàn giữ nguyên.

 

Bảo tàng được trang bị chế độ chiếu sáng hòa quyện giữa ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo. Bên cạnh đó, cũng trang bị hệ thống điều hòa nhiệt độ hiện đại phù hợp với điều kiện của một viện bảo tàng tầm cỡ quốc tế. Diện tích chung ở 10 gian triển lãm được mở rộng, nhờ vậy trưng bày được tất cả những tác phẩm thời trước chỉ lưu giữ trong kho. Hiện nay có khoảng hơn 100.000 hiện vật trưng bày, trong đó trước hết phải kể đến những bức tranh thuộc các thể loại, các tác phẩm đồ họa và điêu khắc được sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1910-1950 - giai đoạn sáng tác “độc nhất vô nhị” trên thế giới. Nếu trước đây bộ sưu tập độc đáo nghệ thuật Nga cổ được trưng bày trong hai gian, thì bây giờ được đặt trong bảy gian có trang bị đặc biệt. Trong đó có thể kể đến các bức tranh vô giá như “Đức Mẹ Vlađimia” do Đức cha Luca vẽ theo truyền thuyết dựa theo hình tượng sống của Bôrôđitxa, bức tranh “Thánh tam ngôi” của Anđrei Rublev, họa sĩ thế kỷ 14. Nhiều “kiện tướng” hội họa Nga nổi tiếng đầu thế kỷ 20 đều được giới thiệu trong từng gian trưng bày riêng.

 

Những tranh trưng bày trong Tretiakov mang những giá trị lớn không chỉ về mặt thẩm mỹ, mà còn là ngôn ngữ tạo hình phản ánh toàn bộ lịch sử đất nước, tính cách nhân dân Nga. Tất cả những tranh chiến trận, sinh hoạt, những hình ảnh các thành phố cổ, đề tài sinh hoạt tôn giáo... tạo ra hình hài trọn vẹn và độc đáo của một đất nước cổ kính và rộng lớn. Trong phòng tranh Tretiakov tập hợp tất cả những tranh chân dung các nhân vật xuất chúng Nga như: Pie đại đế và Ekatêrina đệ nhị, Pushkin, Lermontop, Gogol, Lev Tolstoi, Đostoievski, Chaikopxki...

 

Tretiakov thật sự trở thành trung tâm văn hóa lớn nhất nước Nga, có thể sánh với những hòn ngọc bảo tàng nổi tiếng thế giới như: Viện Bảo tàng Luvre Pháp và Prađô của Tây Ban Nha. Điều đáng nói ở đây, năm 1860, Pavel Tretiakov viết giấy hiến dâng cho nhà nước toàn bộ nhà trưng bày tranh của mình mà không có một đòi hỏi nào. Nhân dân và nhà nước Nga đánh giá cao công lao đóng góp của ông cho tài sản và văn hóa vô giá của tổ quốc. Năm 2009 này là đúng 110 năm ông qua đời. Nhiều người dân Nga lại đến đây để tưởng nhớ ông và cũng là ôn lại lịch sử đất nước qua những tác phẩm hội họa. Ngày nay, không chỉ người dân Nga mà còn rất nhiều công dân nước ngoài đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Tretiakov.

Nguồn: website báo Hậu Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT