Khai mạc trưng bày lưu động “Câu chuyện Mê Kông: Thách thức và ước mơ”
Cuộc trưng bày tập hợp những giọng nói đương đại và trong quá khứ qua 9 câu chuyện khác nhau để phản ánh cuộc sống dọc sông Mê Kông. Mỗi câu chuyện trong cuộc trưng bày là một phác họa về đời sống, văn hoá, truyền thống và đương đại của các dân tộc. Công chúng được khám phá các khía cạnh khác nhau về thiên nhiên, con người qua các câu chuyện như: Gạo nếp (Lào), Chung một cánh đồng (Việt Nam), Thần Nekta (Campuchia), Điện thoại di động (Campuchia), Câu chuyện nghề cá (Việt Nam), Thuốc truyền thống của người Hmông (Lào), Nghề dệt truyền thống (Lào), Cây dừa và cuộc sống (Việt Nam), Giáo dục ở cộng đồng người Chăm Các câu chuyện được thể hiện qua 200 hiện vật trưng bày kết hợp với hình ảnh và âm thanh, để khách tham quan có được trải nghiệm mới về những vùng đất và con người từ bao đời gắn bó với dòng sông Mê Kông. Cuộc trưng bày “Câu chuyện Mê Kông: Thách thức và ước mơ” không chỉ giới thiệu sự đa dạng và những nét văn hoá tương đồng, mà còn chuyển tải những ước mơ của các cộng đồng dân cư cũng như những thách thức đối với họ trước sự đổi thay mạnh mẽ của môi trường và văn hóa. Trưng bày còn dành một góc khám phá dành riêng cho trẻ em với các hoạt động, trò chơi phong phú và đa dạng như thử trang phục, tập viết chữ, chơi nhạc cụ của Lào, Campuchia, Việt Nam... Qua cuộc trưng bày, Ban Tổ chức muốn gửi tới công chúng thông điệp là làm thế nào để tài nguyên của dòng Mê Kông không bao giờ bị cạn kiệt, để kinh tế của người dân vùng Mê Kông phát triển, đồng thời môi trường và bản sắc văn hoá được bảo tồn.
Ban Tổ chức dự định, sau triển lãm ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội), triển lãm sẽ tiếp tục được giới thiệu ở Bảo tàng tỉnh An Giang, rồi tới bảo tàng các nước Campuchia, Lào và Thụy Điển.