Vùng đất lưu giữ nhiều dấu tích của người Việt cổ, Phú Thọ
Là một ngôi làng nhỏ cách huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ hơn chục cây số, Sơn Vi là nơi hội tụ của nhiều loại hình văn hoá vô cùng độc đáo và sâu sắc, như: lễ rước kiệu đình làng, lễ mừng thọ, dân ca xoan, ghẹo... Trong mọi thời kỳ, những di sản văn hoá này là tiềm năng vô cùng to lớn để thúc đẩy công cuộc chấn hưng, xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc truyền thống quê hương Đất Tổ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đặc trưng nhất ở Sơn Vi chính là tín ngưỡng về đình đám và thờ thần Hoàng làng. Cũng giống như nhiều đồng bào dân tộc vùng cao, cứ vào dịp đầu năm, tại Sơn Vi lại diễn ra nhiều hoạt động văn hoá mang đậm nét đặc trưng của cư dân người Việt vùng trung du. Sôi nổi và thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân trong làng vẫn là lễ rước kiệu được tổ chức thường niên vào mùng 3 Tết âm lịch. Với ý nghĩa tâm linh tạ ơn và cầu xin thần Hoàng làng ban cho một năm mới bình an, mưa thuận gió hoà, làm ăn khấm khá, sau khi rước kiệu quanh làng, mọi người tụ tập trước Đình làng để tham gia tế lễ và thưởng thức một số tiết mục văn nghệ mang đặc trưng Sơn Vi.
Trong mấy năm gần đây, dòng văn hoá dân gian có xu hướng phát triển mạnh mẽ và trở thành một nội dung chính trong sinh hoạt cộng đồng của người dân Sơn Vi và cũng là yếu tố thu hút du khách. Đó là dân ca xoan và ghẹo, trong đó hát xoan là loại dân ca nghi lễ mang yếu tố tín ngưỡng gắn liền với đình đám và tín ngưỡng thờ thần Hoàng làng. Loại hình diễn xướng cổ tổng hợp này có hát, có múa nhưng không chỉ là hát thờ, hát tế thành Hoàng làng mà còn phản ánh những nội dung về thiên nhiên, con người, đời sống sản xuất và sinh hoạt bình dị hàng ngày của người dân. Đặc biệt, lời hát trong một số làn điệu xoan thể hiện những ước mơ của người dân mong muốn có một cuộc sống ấm no và tinh thần lạc quan yêu đời. Với ý nghĩa đó, hát xoan được lưu giữ và phát triển cho đến ngày hôm nay, trở thành loại hình văn hoá, văn nghệ chủ lực trong những ngày hội ở Sơn Vi, là món ăn tinh thần không thể thiếu của những người trung niên và cao tuổi nơi đây.
Không chỉ hấp dẫn bởi những nét văn hoá đặc trưng của người Việt cổ mà vùng đất nhỏ bé này còn nổi tiếng bởi một số ngành nghề thủ công có từ lâu đời. Một trong số đó là nghề làm ấm ủ bình trà. Theo những người dân nơi đây, nghề này đã có ở Sơn Vi hàng trăm năm nay, có lúc phát triển mạnh mẽ cũng có thời gian bị quên lãng nhưng vẫn tồn tại đến ngày nay. Chả thế mà đến Sơn Vi, vẫn thường thấy trên bàn uống nước của các gia đình có chiếc bình ủ ấm trà. Thậm chí có nhiều gia đình khá giả đã sắm được những vật dụng hiện đại, tiện dụng nhưng vẫn sử dụng chiếc bình ủ ấm trà thường xuyên như một thói quen khó có thể thay đổi. Với bàn tay khéo léo của mình, từ những chiếc nan tre, người dân Sơn Vi đã tạo ra những chiếc ủ ấm có dáng vẻ độc đáo riêng, bên trong có vải lót để giữ cho chiếc ấm trà luôn nóng, làm đậm đà cho những ấm nước chè xanh, lá vối hay nhân trần. Ngày nay, mặc dù cuộc sống hiện đại đã có những đồ dùng sang trọng hơn nhưng chiếc ấm ủ Sơn Vi vẫn là sản phẩm đặc dụng được nhiều gia đình lựa chọn. Đây cũng là một món quà hấp dẫn mà du khách rất ưa thích khi đến với Phú Thọ, nhất là du khách quốc tế.
Đến Sơn Vi để khám phá những giá trị văn hoá đặc trưng, nhiều du khách còn không thể quên một món ăn đặc sản rất ấn tượng, đó là món dưa lá sắn.
Tạm biệt Sơn Vi với bao lưu luyến để tiếp tục hành trình đến các địa danh trong chương trình du lịch về cội nguồn của 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ, nét văn hoá Sơn Vi sẽ mãi là dấu ấn trong tâm tuởng mỗi du khách.