Bảo tồn và khai thác giá trị di tích Thành Nhà Hồ
Từ TP Thanh Hóa, theo quốc lộ 45 ngược lên phía bắc, qua các huyện Ðông Sơn, Thiệu Hóa, đến huyện lỵ Vĩnh Lộc và đi thêm khoảng hai km nữa là đến Thành Nhà Hồ hay còn gọi là Thành Tây Ðô. Thành thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Năm 1397, Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn xây kinh đô mới. Thành được xây dựng ở khoảng giữa sông Mã và sông Bưởi, phía bắc có núi Thổ Tượng, phía tây có núi Ngưu Ngọa, phía đông có núi Hắc Khuyển.
Sử cũ cho biết thành xây ba tháng thì hoàn thành trên một bình đồ kiến trúc gần vuông. Hiện nay, nhiều đoạn tường thành và các cổng thành còn khá nguyên vẹn, riêng cửa nam khá đồ sộ cao tới 10 m. Thành Nhà Hồ là bằng chứng về sức lao động và tài năng của nhân dân ta và là công trình mang nhiều giá trị về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử và văn hóa.
Nét đặc sắc của tường thành này là ở phần xây đá bên ngoài, còn bên trong đắp đất. Mặt ngoài thành được gia cố bằng những tảng đá xanh đẽo vuông vức, công phu. Nhiều phiến rất to ở cửa Tây, dài tới 5,1 m, rộng 1,59 m, cao 1,30 m, được xếp chồng lên nhau thành hình chữ công. Những phiến đá nặng hàng tấn được đẽo gọt công phu, sau đó bằng sức người đưa lên độ cao mười mét và chỉ xếp lên mà không cần chất kết dính nhưng vẫn bảo đảm độ bền vững.
Qua hơn 600 năm trường tồn cùng những biến cố, thăng trầm của đất nước và tác động của thời tiết, Thành Nhà Hồ đã bị hư hại nghiêm trọng, nhiều phiến đá, rồng đá, lầu cổng thành và các tòa điện quan trọng đã bị hủy hoại từ lâu. Nếu xét về mặt kiến trúc tổng thể của khu điện và bên trong tòa thành thì có thể nói đây là phế tích.
Những năm gần đây, di tích tòa thành đang được bảo vệ, tôn tạo, tu bổ. Hiện đang có nhiều quan điểm khác nhau trong công việc này, có quan điểm cho rằng nên đầu tư, tôn tạo, phục dựng kể cả thành đá và các tòa điện, tả vu, hữu vu và dựng lại cả hai tòa Hồ Thành và La Thành, cầu cổng chính của thành và sau đó mới đưa vào khai thác phục vụ khách tham quan.
Ý kiến khác lại nêu lên việc tôn tạo khuôn viên, xây dựng khu dịch vụ du lịch bên trong thành trước, còn cảnh quan ngoài thành thì giữ nguyên như cũ. Cũng có quan điểm là cần tiến hành khảo cổ học trong thành và ngoài thành để có tài liệu khoa học đầy đủ về chất liệu xây dựng, móng các tòa điện, khu tả vu, hữu vu, khu phục vụ nhà vua cùng các tài liệu có liên quan về các phương tiện quân sự, dân dụng sinh hoạt trong thành, trên cơ sở đó có kết luận cụ thể để tiến hành việc tôn tạo, sắp xếp các đoạn tường thành đá bị xô lệch, tu bổ cổng thành, làm mặt bằng phía ngoài, trồng cây xanh và thực hiện khai thác thông qua hệ thống dịch vụ du lịch.
Tuy còn có sự khác nhau, nhưng các ý kiến cùng thống nhất ở một điểm chung là bảo vệ, tôn tạo những khu vực cần thiết, cải tạo mặt bằng bên trong và bên ngoài thành trong không gian hợp lý và khu dịch vụ phục vụ khách tham quan.
Di sản Thành Nhà Hồ là điểm đến hấp dẫn trong quần thể các điểm du lịch quan trọng của tỉnh Thanh Hóa: di tích Lam Kinh (Thọ Xuân), đền Bà Triệu (Hậu Lộc), Phù Luông (Quan Hóa), suối Cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy), động Từ Thức, cửa Thần Phù (Nga Sơn), Bến En (Như Thanh), hòn Trống Mái, đền Cô Tiên, đền Ðộc Cước (cụm di tích Sầm Sơn), cầu Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) và các di tích khảo cổ văn hóa Núi Ðọ, Ðông Sơn, v.v.
Chính vì vậy, nếu chờ các di tích như Thành Nhà Hồ, di tích Lam Kinh tu bổ xong phần kiến trúc rồi mới đón khách tham quan thì quá lâu. Trong khi đó, nhu cầu du lịch, tham quan đến với xứ Thanh lại rất lớn bởi nhiều du khách đến đây là để trở về cội nguồn, tưởng nhớ anh linh các thế hệ đi trước trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
Theo nhiều chuyên gia về công tác tu bổ, tôn tạo, Thành Nhà Hồ cần được bảo tồn nguyên trạng, chỉ cần chỉnh sửa một số đoạn thành, cổng thành và các phiến đá tường thành bị nghiêng, khôi phục từng bước các khu vực hào thành, làm mặt bằng trong nội thành, trồng cây xanh có quy hoạch. Phía ngoài nên xây dựng ngay nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu các giá trị lịch sử, văn hóa, bối cảnh lịch sử trong quá trình xây dựng tòa thành của Nhà Hồ trước đây.
Mặt khác, cần có đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên giỏi để phục vụ khách du lịch. Nên chăng, khu di tích Thành Nhà Hồ và cả Lam Kinh cũng cần có một đội nghệ thuật biểu diễn các loại hình diễn xướng dân gian và cung đình theo một kịch bản cho phép và theo mô hình xã hội hóa để phát huy nội lực cộng đồng địa phương.
Ðể phát huy tác dụng giá trị văn hóa của di tích Thành Nhà Hồ thông qua phát triển du lịch thì chỉ có cách vừa tôn tạo, tu bổ, nghiên cứu khảo cổ, vừa khai thác tăng thu nhằm phục vụ cho hoạt động của công tác bảo tồn, bảo tàng theo phương thức xã hội hóa dưới sự quản lý của Nhà nước. Ðó là định hướng đúng đắn trước mắt với ngành văn hóa và du lịch Thanh Hóa trong thời điểm hiện nay.