Đầu năm vãn cảnh Thất Sơn (An Giang)
Thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, ngày rằm và ba mươi hàng tháng, Phụng Hoàng Sơn đón lượng khách đến vãn cảnh hồ Soài So rồi leo lên mũi Nam Hải, vồ Hội, sân Tiên, Bồng Lai Tự… với không khí mát mẻ còn tương đối nguyên sơ của rừng phòng hộ đồi núi, thưởng thức vú sữa, mít, chuối phơi khô… và cũng không quên dùng bữa cơm chay để thay đổi thực đơn thường ngày ở đồng bằng. Đón Tết Dương lịch – 2010 năm nay trùng hợp với dịp rằm tháng mười một âm lịch, Khu du lịch núi Két – Anh Vũ Sơn trông thật hấp dẫn, du khách cứ xuất hiện lai rai và đều chứ không tập trung như mọi khi. Đây là khu du lịch đầu tiên ở Thất Sơn do doanh nghiệp tư nhân – người địa phương đứng ra đầu tư phát triển và gắn liền với cụm Di tích Lịch sử - Văn hóa Thới Sơn, theo lời kêu gọi của UBND huyện Tịnh Biên và áp dụng các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của UBND tỉnh An Giang ban hành.
Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Tức Dụp phát huy thế mạnh giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, giới thiệu với người hành hương và du khách gần xa về thành trì trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân, dân vùng đất Thất Sơn Anh hùng và là một biểu tượng của tình đoàn kết 2 dân tộc Khơ-me - Kinh, không gì lay chuyển. Gần đây, căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc – Lương Phi ở Ngọa Long Sơn cũng được nhiều người biết đến, với những địa danh như Bụng ông Địa, điện Tàu Cau, hang Quân y và Văn phòng Tỉnh ủy An Giang. Đặc biệt, đồi Ma Thiên Lãnh là nơi 7 chiến sĩ Trung đoàn 101 Sông Lam– miền Bắc chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh tại đây. Quân và dân An Giang luôn quý trọng các anh, Đội Chuyên trách K93 đã khai quật và đưa hài cốt các anh về quê nhà. Tên tuổi đồi Ma Thiên Lãnh đã đi vào lịch sử và thơ ca.
Sau một năm lao động, sản xuất và học tập, mặc dù công việc vẫn còn nhiều bề bộn, nhưng có nhiều người vẫn tranh thủ vãn cảnh Thiên Cấm Sơn, thưởng ngoạn khí hậu trong lành của ngọn núi cao nhất vùng Thất Sơn và được mệnh danh là Đà Lạt 2. Con đường láng nghựa, đổ bê-tông phẳng phiu, với những chuyến xe lữ hành và xe Honda ôm đưa họ lên đỉnh rất dễ dàng. Từ đây, đến các vồ, đồi, điện, hang cũng bằng xe Honda ôm rất thuận tiện. Cuối năm 2009, có khoảng 70 đến 80% hộ dân ở dưới đường dây trung thế và hạ thế đã được gắn đồng hồ, sử dụng điện thắp sáng và sinh hoạt, dịch vụ. Điện làm sáng rực chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh và hàng quán giải khát ven bờ hồ Thủy Liêm, tô thắm thêm sức sống cho ngọn núi đầy huyền thoại.
Ngày nay, chinh phục vồ Bồ Hong – đỉnh cao nhất Thiên Cấm Sơn, vừa là ngọn núi cao nhất vùng Thất Sơn không mấy gì khó khăn; bởi có xe Honda ôm đưa đến chân vồ và tiếp tục lội thêm ít phút nữa thì tới nơi. Từ đây, phóng tầm nhìn sang Phụng Hoàng Sơn, Ngọa Long Sơn, Liên Hoa Sơn… chắc chắn chúng ta sẽ có cảm giác như… đi trên mây, còn nhìn xuống đồng bằng ruộng lúa và rau màu, vườn tược trông như bức tranh nhiều màu sắc. Đặc biệt vào những ngày trời trong, ít sương mù du khách đứng ở đây còn thấy cả Ba Hòn, Hà Tiên và Rạch Giá. Mừng năm mới 2010, người dân vồ Bồ Hong tin tưởng cuộc sống sẽ ngày càng khởi sắc hơn.