Non nước Việt Nam

Chùa Sắc Tứ Khải Đoan (Đắk Lắk)

Cập nhật: 14/12/2009 09:12:29
Số lần đọc: 3792
Chùa Sắc tứ Khải Đoan (Sắc tứ Khải Đoan tự), là ngôi chùa lớn nhất thành phố Buôn Ma Thuột và cả ở Đắk Lắk. Tên Khải Đoan là ghép từ tên vua Khải Định và vợ ông là Đoan Huy hoàng thái hậu. Chùa thờ Phật Thích Ca.

Chùa bắt đầu được xây dựng từ năm 1951 với hai phần hậu tổ và nhà giảng, còn chính điện thì đến năm 1953 mới khởi công. Ngôi chùa này nằm trên đường Phan Bội Châu, thành phố Buôn Ma Thuột do Đoan Huy hoàng thái hậu mẹ vua Bảo Đại cho xây dựng và Nam Phương hoàng hậu trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý việc thi công. Khải Đoan là ngôi chùa cuối cùng tại Việt Nam được phong Sắc tứ của chế độ phong kiến và là một địa điểm không thể không ghé thăm khi đến Buôn Ma Thuột.

 

Chùa được xây dựng bởi bàn tay khéo léo của những người thợ cố đô Huế nên có kiến trúc nhà rường Huế xen lẫn với kiến trúc địa phương. Cổng chính theo hướng Tây Nam nhìn ra đường Quang Trung, hướng về thung lũng “Suối Đốc Học”. Trước và sau cổng đều ghi “Khải Đoan Tự”. Chánh điện là công trình chính của chùa với mặt bằng 320m2 được chia làm hai phần. Nửa phần trước mang dáng dấp nhà dài Tây Nguyên nhưng cấu trúc cột kèo theo kiểu nhà rường Huế. Nửa sau được xây theo lối hiện đại.

 

Đáng chú ý nhất trong chánh điện là tượng Phật Thích Ca ở giữa và chiếc chuông đồng đặt ở gian bên phải. Tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao 1,1m, với đài sen bằng gỗ quý cao 0,35m được trang trí rất công phu. Chiếc chuông đồng cao 1,15m, chu vi đáy 2,7m, nặng 380kg do các nghệ nhân phường đúc đồng ở phía Tây kinh thành Huế làm vào tháng 01.1954 (tức tháng chạp năm Quý Tỵ).

 

Sau nhiều đợt trùng tu, cất thêm vài công trình mới, chánh điện vẫn y như cũ và dành để thờ Đức Thích Ca; bên hông trái của chùa có tòa lục giác thờ Quan Âm Bồ tát. Ngoài việc là một trong những di tích lịch sử hấp dẫn của thành phố Buôn Ma Thuột, chùa Khải Đoan còn là nơi thể hiện dòng chảy của đạo pháp dân tộc trên đất Tây nguyên.

Nguồn: Đắk Lắk

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT