Làng cổ Nghi Tàm (Hà Nội): Nơi lưu giữ nét văn hóa Thăng Long
Trải qua bao biến thiên cuộc sống, nhưng những dấu tích văn hóa-lịch sử vẫn được nâng niu, gìn giữ gần như nguyên vẹn tới ngày nay.
Nằm ngay mép nước hồ Tây, làng Nghi Tàm có lịch sử gắn liền với lịch sử của hồ nước giàu chất huyền thoại này. Cũng bởi bao năm gắn bó với hồ Tây nên người Nghi Tàm có tính tình cởi mở, dễ gần, có thể nói chuyện cả buổi khi được hỏi về văn hóa, truyền thống của làng.
Ông Nguyễn Ngọc Diệp, một người có gốc gác nhiều đời nay ở làng Nghi Tàm, vô cùng tự hào về truyền thống làng mình và ghi chép thật tỉ mỉ các giai đoạn phát triển của làng vào cuốn sổ tay cá nhân. Lời ông kể như đưa người ta trở lại với quá khứ xa xưa, từ một làng Nghi Tàm hoang sơ đầy lau lách đến một làng nghề trồng cây, nuôi cá cảnh sôi động.
Làng Nghi Tàm được hình thành từ năm 1138, đời vua Lý Thần Tông với tên khai sinh là trại Tầm Tang. Cái tên trại do chính nhà vua đặt. Trại Tầm Tang gắn với tích công chúa Từ Hoa, con vua Lý Thần Tông dời cung về nơi này dạy dân trồng dâu, nuôi tằm tạo nên một vùng đất nổi tiếng của kinh thành Thăng Long về nghề tơ tằm.
Đến thời Trần, trại đổi tên là phường Tích Ma và khi đó cư dân lại phát triển nghề se gai, dệt lưới đánh cá. Sang đến thời Lê, phường Tích Ma đổi tên thành Nghi Tầm nhưng do trùng với tích bà Từ Hoa công chúa rời cung về dạy nghề cho dân làng nên đổi lại thành Nghi Tàm.
Nghi Tàm thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận và sau này qua nhiều biến chuyển thời gian, làng Nghi Tàm thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ.
Trước kia, làng Nghi Tàm chia thành ba xóm: Xóm Chùa, xóm Trên, xóm Cái. Làng nổi tiếng khắp vùng về thắng cảnh đẹp.
Trong “Bát cảnh hồ Tây” thì Nghi Tàm đã hội tụ tới ba cảnh đẹp, gồm "Bến Trúc Nghi Tàm" là một cây cầu, nơi trước kia các nhà thơ thường ra đó vịnh thơ, vẫn còn lưu lại đến ngày nay, "Đồng bông Nghi Tàm" tức cánh đồng hoa nay bị mất đi do đô thị hóa và "Tiếng đàn Thành Cung" - nơi nhà vua phát ra tiếng đàn vẫy gọi chim muông, dấu tích vẫn còn ngay trong sân chùa Kim Liên.
Nghi Tàm cũng là quê hương của Bà Huyện Thanh Quan, tác giả của những bài thơ hoài cổ nổi tiếng qua các thế hệ. Ngày nay, ở Nghi Tàm còn một bia đá mà người ta cho là bia ghi danh Bà Huyện Thanh Quan, hiện đang được lưu giữ tại một gia đình thuộc dòng họ.
Vốn là vùng đất cổ, Nghi Tàm nổi danh với hai di tích chùa Kim Liên và đình Nghi Tàm được xây dựng từ thời Lý, gắn với sự hình thành và phát triển của đất Thăng Long. Cổng chùa Kim Liên có một tấm bia chạm đôi rồng mang đậm phong cách thời Lý và chùa cũng là một thắng cảnh đẹp của vùng hồ Tây.
Người làng Nghi Tàm cũng tự hào rằng, so với các đình, đền khác thờ 1-3 vị thành hoàng làng thì đình Nghi Tàm thờ tới 6 vị thành hoàng làng; trong đó có bà Quỳnh Hoa công chúa, con một vị vua đời Lý. Hai di tích này được người làng Nghi Tàm bảo tồn tôn nghiêm, bởi nó là hồn khí nhiều đời nay của dân làng.
Cũng như nhiều làng khác nằm ven hồ Tây, làng Nghi Tàm có những nghề truyền thống với bề dày gần trăm năm nay, đó là nghề trồng cây cảnh và nuôi cá cảnh, phát triển sôi động một thời.
Nghề trồng cây cảnh được du nhập vào Nghi Tàm từ năm 1928, khi một người làng đi bán cây cho người Trung Quốc tại phố Cát Linh rồi đưa giống về trồng. Những người sành chơi cây ở Hà Nội đều biết tới cây cảnh Nghi Tàm với những gốc cổ thụ hoặc các loài quý hiếm.
Hiện tại, do quá trình đô thị hóa, đất trồng cây không còn nhiều nên nghề trồng cây cảnh cũng thu hẹp, chỉ còn một số gia đình giữ lại các gốc cây do cha ông để lại. Trong làng chỉ còn lác đác vài nhà duy trì trồng các loài cây cảnh quý hiếm như đại lan, thanh trừng, trần mộng … phục vụ cho những khách sành chơi là người Hà Nội gốc.
Nghi Tàm cũng nổi tiếng là làng nuôi cá cảnh với những tay nuôi cá tài nghệ, biết lai tạo giống mới, vỗ cá đẹp, mau lớn khiến ai cũng nể trọng. Cá cảnh Nghi Tàm cung cấp cho hầu hết các chợ lớn trên địa bàn Hà Nội với chủng loại phong phú, giá cả lại rẻ, phổ biến là các giống cá nội như cá vàng, cá thần tiên, cá kiếm, cá chọi…. Đây là các giống cá phù hợp với thị hiếu của đa phần người chơi.
Tuy vậy, đấy là sự sôi động của nghề nuôi cá cảnh cách đây vài ba chục năm còn thực tế hiện nay, làng Nghi Tàm chỉ vỏn vẹn 5-7 gia đình sinh sống bằng nghề này.