Thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh): Lưu giữ giá trị lịch sử và văn hóa
Thuận Thành nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử, nơi được coi là cái nôi của Phật giáo Việt
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư: "Sỹ Nhiếp là người Trung Quốc, trong cuộc loạn lạc được vua Hán cho làm Thái thú Giao Chỉ. Vì có công với Hán học ở nước ta, được giới Nho học suy tôn, gọi là Sỹ Vương, rồi sử cũ chép riêng một kỷ, gọi là kỷ Sỹ Nhiếp".
Luy Lâu là trung tâm, hoặc có thể gọi là kinh đô của đất nước trong vòng 40 năm (185 - 225). Sỹ Nhiếp lập trường dạy chữ Hán đầu tiên, truyền bá kinh Phật tại trung tâm Luy Lâu, được tôn vinh là Nam Giao học tổ. Ông cho xây dựng một hệ thống chùa dày đặc, lấy chùa Dâu làm trung tâm.
Thành Luy Lâu thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành ngày nay. Qua nhiều lần khảo cổ, các nhà khoa học phát hiện nhiều hiện vật có giá trị và đã đưa ra đánh giá: Trước đây, chúng ta vẫn coi Luy Lâu là sở lị của chế độ phong kiến Bắc Thuộc, nhưng thực chất, đây còn là một đô thị cổ diễn ra nhiều hoạt động phong phú của người Việt.
Không chỉ thời nay, giá trị thành cổ Luy Lâu mới được biết đến, mà trước đây, sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng đã nêu cao vai trò của người xây dựng nên thành Luy Lâu: "Sử thần Ngô Sỹ Liên đánh giá: "Nước ta được thông thi thư, tập lễ nhạc là một nước văn hiến là bắt đầu từ Sỹ Vương, công đức ấy không những chỉ ở đương thời mà có thể truyền mãi đời sau…"". Với giá trị lịch sử to lớn, nhà nước đã sớm nghiên cứu và công nhận thành Luy Lâu là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1964.
Mặc dù thành Luy Lâu có từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên, đã qua nhiều thăng trầm, chịu sự tàn phá của thiên nhiên, con người, nhưng vẫn còn lưu giữ được nhiều dấu tích cổ.
Ông Nguyễn Duy Nhất, Giám đốc Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh cho biết: Thành Luy Lâu hiện còn giữ nguyên được một nửa thành cũ với diện tích 132.258m2 ở phía Tây
Bờ thành bằng đất còn cao khoảng 1-2m, mặt thành rộng 1,5m. Trong khu vực thành còn đền, mộ, chùa, tứ trấn (4 gò đất nhô cao lên so với mặt thành). Đặc biệt, di tích cổ vẫn còn tồn tại từ thế kỷ thứ 2 chính là chiếc cầu đá, lối đi vào đền thờ Sỹ Nhiếp.
Qua một số đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều cổ vật quý, dày đặc dưới lớp đất canh tác như: đồ gốm, gạch ngói thời Hán, hàng trăm lò nấu đồng, móng gạch có niên đại sớm và dấu tích của một kiến trúc cổ đã bị cháy… Năm 2006, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh đã có kế hoạch trùng tu, tôn tạo và tới năm 2011 sẽ có hướng bảo tồn cụ thể.