Non nước Việt Nam

Những cây cầu tạo nét duyên cho Hà Nội

Cập nhật: 08/01/2010 10:13:35
Số lần đọc: 3280
Nhắc đến cầu ở Hà Nội, hẳn bạn đọc sẽ nghĩ ngay đến những cây cầu lớn như Long Biên, Chương Dương hay Thăng Long. Tuy nhiên bài viết này sẽ đưa bạn đến với những cây cầu khác của Hà Nội, nhỏ bé hơn nhiều nhưng lại là những nét chấm phá không thể thiếu trong không gian kiến trúc xinh đẹp của Hà Nội.

Vốn được xây dựng bên bờ sông Cái, thiên nhiên đã ban tặng cho Hà Nội một nét đặc sắc mà hiếm thành phố nào có được, đó là những dòng sông nhỏ chảy uốn lượn trong lòng thành phố, là vô số những hồ lớn nhỏ mà phần lớn đều có đảo và bán đảo được tạo bởi thiên nhiên hoặc do công sức lao động của người dân thành phố qua các thế hệ, chúng như những viên ngọc tô điểm cho bộ mặt đô thành. Có thể nói sông, hồ đã trở thành một bộ phận hữu cơ tạo nên Hà Nội của chúng ta. Với sự thông minh sáng tạo, người Hà Nội đã phát hiện, nắm bắt được nét đẹp đặc trưng đó của thành phố mình và như để điểm xuyết thêm cho nó, người Hà Nội đã tạo nên những cây cầu nối những bờ sông, nối liền bờ - đảo với những sắc thái khác nhau theo từng hoàn cảnh. Đặc sắc nhất có lẽ phải nói đến cầu Thê Húc, khi nhắc đến thắng cảnh Hồ Gươm không thể không nhắc tới cây cầu này. Được dựng từ năm 1865 theo ý tưởng của Phương đình Nguyễn Văn Siêu - nhà văn hóa lớn của nước Việt, đây chính là một phần không thể thiếu của cụm công trình văn hóa liên hoàn nổi tiếng "Đền Ngọc Sơn - Cầu Thê Húc - Tháp Bút - Đài Nghiên" đã làm tăng lên sự lung linh huyền diệu của khu "Linh Địa" Hồ Gươm. Hà Nội có ca dao rằng:

 

Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này.

 

"Thê Húc" có nghĩa là "nơi hội tụ ánh sáng ban mai", được làm hoàn toàn bằng gỗ với 13 nhịp uốn cong mềm mại, giữa không gian xanh của nước hồ, của hoa lá cây cỏ, của trời biếc, cây cầu tựa như một chiếc cầu vồng đưa du khách từ Tháp Bút đi vào đền Ngọc Sơn. "Thần Siêu" đã chú giải trên văn bia dựng trong đền: "Cột (Tháp Bút) dựng làm tiêu biểu mở lối cho người ta đi, đưa người đời qua cầu đến chỗ giác ngộ, tức là hiểu được đạo làm người", vậy là "Thê Húc" không chỉ là một kiến trúc đẹp mà đã được nâng lên tầm văn hóa rồi phải không bạn.

 


Năm 1890, những nghệ nhân tạo vườn người Pháp đã dựng lên Bách Thảo Hà Nội, một khu vườn cảnh mang đậm phong cách châu Âu giữa lòng một thành phố phương Đông. Những bài trí kiến trúc khéo léo đã làm cho Non - Nước - Cây cỏ trong khu vườn như hòa quyện vào nhau, trong không gian kiến trúc đó, cây cầu sắt mảnh mai được bắc sát mặt hồ, nối liền chân núi Nùng ra đảo giữa hồ tạo nên một nét huyền cho khung cảnh nên thơ, lắng dịu, đầy ắp tiếng chim của Bách Thảo. Những ngày thu Hà Nội, trong làn sương nhẹ, xa xa ngắm nhìn những thanh nữ Hà Nội thướt tha trong tà áo dài đi trên mặt cầu, bỗng tưởng như gặp được tiên nữ ở chốn bồng lai.

Còn nữa, trên những mặt hồ Bảy Mẫu trong công viên Lênin, hồ Thủ Lệ trong vườn thú Thủ Lệ, hồ Thuyền Quang bên phố Nguyễn Du, ta bắt gặp những cây cầu làm sau ngày Hà Nội được giải phóng, tuy bằng chất liệu xi măng cốt thép, nhưng những nhà kiến trúc của Hà Nội đã có những xử lí tinh tế về kiến trúc, mầu sắc nên chúng vẫn có được sự uốn lượn mềm mại của những chiếc cầu vòm mang đầy sắc thái phương Đông, góp phần tô điểm thêm cho những "Lẵng hoa" của Hà Nội.

 Trên các dòng sông Tô Lịch, Kim Ngưu lững lờ giữa lòng thành phố, đây đó lại có những cây cầu nối những bờ sông; cái bằng đá, cái bằng sắt, cái bằng bê tông; có chiếc mới được làm nhưng cũng có những chiếc đã có hàng trăm năm tuổi; có cầu ngang, có cầu vòm thật là phong phú, đa dạng. Những cây cầu này vừa nối mạch giao thông, vừa như gợi nhắc ta nhớ Hà Nội có những dòng sông nhỏ đã một thời từng đi vào thơ ca.

Cầu phao - loại cầu tạm bồng bềnh trên mặt nước, thường chỉ gặp trong thời chiến tranh, ấy vậy mà bây giờ bạn vẫn có thể được cảm nhận cái bồng bềnh, chông chênh đó ngay ở Hà Nội nếu bạn có dịp ra thưởng thức những món đặc sản bánh tôm, ốc hấp trên một số nhà hàng nổi ven Hồ Tây. Chúng gợi cho ai đó đã từng qua thời chinh chiến hay những người yêu lịch sử nhớ tới những thời khắc gian lao, vất vả nhưng vô cùng hào hùng của Hà Nội và đất nước trong những trận chiến anh dũng chống ngoại xâm.

Thế đó, Hà Nội của chúng ta đẹp lắm, nhất là với góc nhìn của văn hóa và lịch sử, xin hãy gạt sang một bên những ngổn ngang của cuộc sống để cùng chiêm ngưỡng, thưởng thức những nét duyên của Hà Nội mà trong đó có sự tạo bởi của những cây cầu nho nhỏ; mong ước sao, tới đây cùng với sự phát triển của nền kinh tế, chúng được chú ý tu sửa, chỉnh trang, tôn tạo nhiều hơn một chút để tiếp tục cùng sông, hồ Hà Nội đi vào những áng văn, thơ.

Nguồn: website báo Quê Hương

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT