Non nước Việt Nam

Đình Phước Thiền (Đồng Nai): Giữ trong mình nét cổ xưa

Cập nhật: 07/01/2010 14:56:51
Số lần đọc: 5610
Ngày 30/12/2009, đình Phước Thiền đã đón nhận quyết định và bằng xếp hạng di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật của UBND tỉnh Đồng Nai.
 
Đình Phước Thiền hay còn gọi là đình Ông Cọp, tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, sát hương lộ 769, nay thuộc ấp Trầu, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch. Đình được khởi dựng cùng với thời gian thành lập làng Phước Thiền vào khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu XIX. Ban đầu, đình có quy mô nhỏ, kiến trúc đơn giản, vật liệu cột tre, vách đất, mái lá. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, trong đó lần trùng tu lớn nhất vào khoảng giữa thế kỷ XIX đã mang lại cho ngôi đình diện mạo như ngày nay.

Năm 1852, triều đình nhà Nguyễn ban một loạt sắc phong nhằm xác định chủ quyền của nước Đại Nam trên tất cả các làng xã. Thôn Phước Thiền lúc bấy giờ cũng được vua sắc phong cho thần Thành hoàng đình Phước Thiền với nội dung: "Bảo an, Chánh trực, Hữu thiện, Đôn ngưng chi thần".

Việc  thờ phụng Thần Thành hoàng tại đình khẳng định chủ quyền, sự trường tồn của làng xã, thôn ấp. Những nghi thức lễ Thần là kết quả sáng tạo của cộng đồng cư dân địa phương trong quá trình khai phá, mở mang bờ cõi. Đặc biệt, đình còn lưu giữ những yếu tố văn hóa có giá trị lịch sử và văn hóa cao như lễ Dựng nêu, Thượng kỳ trong lễ Kỳ yên.

Đình Phước Thiền không chỉ là một thiết chế văn hóa của cư dân địa phương mà còn gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đặc biệt, gắn liền với phong trào đấu tranh của lực lượng Thanh niên Tiền phong huyện trong những ngày khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Sự giao thoa văn hóa tín ngưỡng dân gian giữa ba miền Bắc - Trung - Nam trong thiết kế bài trí ở Chánh điện đình Phước Thiền đã tạo nên sự phong phú, đa dạng; là đề tài nghiên cứu cho các nhà văn hóa dân gian ở địa phương, đồng thời khẳng định những chủ nhân xây dựng lên ngôi đình có nguồn gốc từ miền Trung di dân vào Phước Thiền sinh sống, lập nghiệp.  Một giá trị văn hóa đặc sắc nữa ở kiến trúc nghệ thuật là hệ thống các mảng chạm khắc tinh xảo, trang trí hoa văn phong phú, kết cấu bộ khung vì kèo gỗ đảm bảo sự chắc chắn, kỹ thuật lắp ráp, ghép mộng chốt đạt đến trình độ cao. Ngoài ra, phong cách viết chữ trên các hoành phi, liễn đối tại đình Phước Thiền rất đặc biệt. Nét chữ nhẹ nhàng, thanh thoát, tạo được đường nét mềm mại, thể hiện được cái hồn của người cầm bút.

Ngày nay, xã Phước Thiền đang từng ngày đổi mới nhưng đình làng vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng cư dân xã Phước Thiền và các địa phương lân cận, giữ trong mình những nét cổ xưa, làm phong phú thêm văn hóa đình làng Nam bộ trong quá trình đô thị hóa.

 

Nguồn: Website Đồng Nai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT