Khám phá vẻ đẹp bên dòng Cổ Chiên thơ mộng (Vĩnh Long)
Từ TP.Hồ Chí Minh về, qua cầu Mỹ Thuận chừng 1km rẽ phải, du khách sẽ đến với khu du lịch Trường An. Đây là khu du lịch lớn nhất của tỉnh Vĩnh Long, rộng 12ha. Ngay cổng là cặp rồng vàng trông khá ấn tượng nhuộm màu vàng rơm. Bên trái là những biệt thự xinh xắn dành cho du khách lưu trú, nghỉ dưỡng. Bên phải là hồ, du khách có thể thuê thuyền thiên nga đạp nước dạo chơi trên làn nước xanh biếc. Bên hồ có khá nhiều cây si, gừa, sộp cổ thụ buông rễ phụ đung đưa như những tấm mành rũ thướt tha. Du khách tan biến đi những mệt mỏi, căng thẳng khi đi dọc theo bờ sông dưới bóng những hàng dương xanh ngát, tận hưởng cảm giác khoan khoái từ những ngọn gió mát lành của dòng Cổ Chiên mênh mông phóng khoáng. Nếu có “gan” bạn có thể cưỡi đà điểu chạy mấy vòng trên sân cát rất thú vị. Du khách thuê tàu, ca-nô của khu du lịch để khám phá sông nước và những cù lao trên sông. Từ công viên bờ sông Cổ Chiên (Trường An) ta có thể ngắm nhìn cầu Mỹ Thuận kỳ vĩ, hiện đại in bóng sừng sững trên nền trời xanh thẳm.
Trong nội ô thành phố Vĩnh Long, có di tích “Cửa hữu thành Long Hồ” trên địa bàn phường 1. Nơi đây xưa kia là đại bản doanh của quân binh nhà Nguyễn ở phương Nam, quy mô chỉ sau thành Gia Định. Dấu vết còn lại là những mầm, tược phụ của “cây đa” đâm chồi mọc lên cao vút, sum sê bóng mát. Tại đây hiện nay có một cổng thành với nhà bia được phục dựng lại khá hoành tráng. Trong nhà bia có bia ký ghi sơ lược lịch sử hình thành dinh Long Hồ (phần lớn tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre và một phần thành phố Cần Thơ ngày nay).
Đến với Văn Thánh Miếu ở phường 4, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những kiến trúc còn khá nguyên vẹn cách đây gần 150 năm. Đền thờ Đức Khổng Tử thâm nghiêm, yên tĩnh giữa hai hàng sao thẳng tắp. Gần đó là Văn Xương Các, xưa từng là nơi họp mặt, xướng họa của các văn nhân, thi sĩ...
Qua cầu Thiềng Đức một đỗi, đi dọc theo tỉnh lộ 31. Nơi đây là “vương quốc gốm đỏ” trải dài từ thành phố Vĩnh Long, huyện Long Hồ đến huyện Mang Thít. Làng nghề gốm Vĩnh Long chỉ mới ngoài 20 tuổi so với các làng nghề gạch đã có từ lâu. Từ những mỏ đất sét đỏ đặc trưng nơi đây, các làng nghề mỗi tháng đã làm nên hàng vạn sản phẩm gốm gia dụng và nghệ thuật xuất đi nhiều nơi. Hiện nay, tại làng gốm thường xuyên có gần 3 vạn lao động làm việc ở các lò, xưởng. Dọc theo tỉnh lộ 31 người xe nhộn nhịp, công nhân khẩn trương khuân hàng lên xe tải.
Vào thăm làng gốm, du khách sẽ có dịp tận mắt nhìn những công đoạn sản xuất gốm đỏ.
Đất sét nguyên liệu chuyển từ ghe lên xưởng bằng băng chuyền để phân loại. Tùy theo yêu cầu mặt hàng mà người ta pha đất theo kỹ thuật và kinh nghiệm riêng. Đất pha xong phải nhào nặn nhiều lần cho thật mịn, chạm tay vào đất pha không dính thì mới đạt. Sau đó tới công đoạn in, “xu”, cuối cùng là nung. Công đoạn tạo mẫu phải có bàn tay của những họa sĩ, nhà điêu khắc. Các mẫu gốm được tạo tác bằng thạch cao. Những người thợ dùng đất ép vào khuôn, cuối cùng ráp nối dính lại thành sản phẩm thô. Xu là làm “bóng” sản phẩm làm các hoa văn, họa tiết của vật nung nổi rõ, sắc sảo hơn.
Quyết định sự thành bại của mẻ gốm là kỹ thuật nung. Người thợ lửa thường có rất nhiều năm kinh nghiệm. Sắp lò cũng là kỹ thuật, người thợ sắp lò biết chổ nào “lửa áp”, chỗ nào lửa yếu, chỗ nào lửa ổn định mà sắp xếp từng loại sản phẩm có kích cở khác nhau. Gốm được nung đốt trong lò 7 ngày. Bốn ngày đầu đốt lò từ từ, hun hơi nóng làm khô sản phẩm mộc, với nhiệt độ từ 100 - 2000C. Ngày thứ năm tăng lửa, ngày thứ sáu “siết lửa” để đến ngày cuối cùng đạt được nhiệt độ 9000C. Sản phẩm mộc sẽ kết khối khi đã được nung đến nhiệt độ cần thiết, người thợ lửa sẽ ngưng đốt, trám kín lò bằng đất sét và để cho lò nguội dần, rồi ra lò, tuyển chọn sản phẩm.
Đến nơi đây, nhiều du khách thích thú và thán phục khi nhìn những người thợ thao tác điêu luyện để cho ra đời những sản phẩm độc đáo và cảm nhận được giá trị của các sản phẩm qua quá trình lao động, sáng tạo của những nghệ nhân, công nhân làng nghề gốm bên dòng Cổ Chiên thơ mộng...