Non nước Việt Nam

Cọn nước – Vẻ đẹp độc đáo của vùng núi Tây Bắc

Cập nhật: 21/01/2010 14:38:08
Số lần đọc: 3759
Ai có dịp ghé qua vùng núi Tây Bắc, chắc hẳn sẽ được thấy những cọn nước của các bản người Thái, người Mường, người Dao, người Tày, người Nùng...

Bên dòng suối, những cọn nước như những bánh xe khổng lồ nhẹ nhàng quay hết ngày này sang ngày khác, như một người nông dân hết mực cần mẫn. Cọn nước được ví như “động cơ vĩnh cửu”, quay suốt ngày đêm và có thể đưa nước lên cao tới hàng 7 đến 8 mét, giúp bà con các dân tộc vùng Tây Bắc đưa nước vào các ruộng trồng lúa nước, đưa nước về tận chái nhà để sinh hoạt... Cùng với những phong cảnh tự nhiên, cọn nước đã góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp của vùng núi Tây Bắc.

Trong một góc thẳm sâu tĩnh lặng dành cho quê hương của nhiều người con dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc, có một phần kí ức vòng xoay của những chiếc cọn miệt mài quay theo con nước vơi đầy. Đã từng gắn bó như là không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày của bà con miền núi những ngày còn gian khó, cọn nước mang sứ mệnh thiêng liêng, giúp con người duy trì sự sống và các hoạt động sản xuất. Cái thời chưa điện chưa đường, cối nước hoạt động được nhờ sức nước do cọn nước tạo ra, đã giúp người dân bớt đi bao mỏi mệt của những đêm nhẫn nại từng nhịp cối giã chân để bữa hôm sau có gạo tra nồi. Mùa đến, cọn cõng nước lên đồng cho người cày cấy cho xanh tươi bờ bãi ngút ngàn.

Hàng năm trước khi vào vụ mới người dân bắt đầu chỉnh sửa hoặc làm mới chiếc cọn nước của gia đình mình. Muốn làm được cọn, phải có một quá trình chuẩn bị vật liệu cẩn thận. Tất cả vật liệu đều được lấy từ rừng, trước hết phải chọn một thanh gỗ thẳng có khả năng chịu nước tốt để làm trục giữa của cọn. Tiếp đó chọn những cây vầu già thân thẳng nhỏ làm nang cọn. Tuỳ kích thước của cọn mà quyết định số nang và độ dài ngắn của nang. Nhưng thường một chiếc cọn trung bình có từ 36 đến 40 nang, mỗi nang dài chừng 1 đến 1,5 mét. Người ta cũng lấy thêm một vài cây nứa đan thành một tấm hình chữ nhật để làm cánh quạt cho cọn. Đồng thời cũng phải có những cây vầu già nhỏ dài để cố định vòng ngoài cho cọn không bị xô lệch khi sử dụng. Theo kinh nghiệm dân gian thì trục cọn, nang cọn và cánh quạt thường được làm bằng cây đã để khô. Mỗi lớp cọn người ta buộc cố định hai chạc làm giá đỡ cọn. Sẽ có hai thanh gỗ chắc chắn có hai núm chẽ mà khi làm cọn người Tày gọi là chân ếch được chọn làm nhánh chạc đỡ từ phía dòng nước chảy về. Tiêu chuẩn của một chiếc cọn tốt là sau khi làm xong thân cọn phải chắc chắn nhưng nhẹ nhàng để dễ vận chuyển lắp đặt và chuyển dời khi cần thiết. Đồng thời phải cân đối quay đều tải nước tốt. Chính vì vậy yêu cầu đặt ra cho người làm cọn là phải có óc tưởng tượng tốt có kinh nghiệm và tính kiên trì tỉ mỉ trong công việc.

Không phải ngẫu nhiên mà cọn tự thành hình bên dòng nước chảy. Những cặp nang được phân bố cân đối này dường như mang dáng dấp của một chiếc ách trâu cày đã được cách điệu. Những chiếc ống nghiêng nghiêng hay chính là những bằng huyết trĩu vai bà vai mẹ treo ngang sườn dốc năm nào. Từ cành cây thô ráp, cọn tròn trịa duyên dáng đến với bản làng cần mẫn múc nước tưới khắp cánh đồng. Cũng từ những vòng xoay chứa đựng bao tìm tòi trăn trở gửi gắm bao ước vọng đổi đời, cha ông bước lên vững chãi với niềm say mê sáng tạo và khẳng định bản lĩnh làm chủ trên quê hương xứ sở của mình. Nếu như nói rằng công cụ bằng đồng ra đời gắn với nền văn minh lúa nước ở đồng bằng, thì cũng có thể nói rằng cọn nước chính là chứng nhân của văn minh lúa nước ở vùng núi. Cọn chính là một nét bản sắc văn hoá của đồng bào miền núi phía Bắc. Bên chiếc cọn thân thương, đã có bao đôi lứa nên vợ nên chồng sau những đêm trăng hẹn hò. Cọn cũng là nút thắt sợi tình đoàn kết bản trên làng dưới thêm thắm đượm. Mỗi khi mùa vụ đến bà con lại gọi nhau ra suối dựng cọn dẫn nước về.

Tiếp bước cha ông có bao người trẻ ở các tỉnh miền núi phía Bắc cũng đã và đang làm cọn trên các con suối chảy qua bản làng. Mỗi chiếc cọn làm xong người dân thêm một niềm vui có nước cho cánh đồng và thêm tự hào về bức tranh quê tiếp tục được điểm xuyết những nét chấm phá độc đáo không dễ có ở những vùng miền khác.

Trân trọng và nâng niu những giá trị văn hoá từ cọn nước nay đã có những cọn nước thu nhỏ lại đưa về gia đình nơi phố thị trong sự chau chuốt sớm chiều của người yêu rừng nhớ suối. Những vòng quay mải miết như ấp ủ câu chuyện từ thủa ấu thơ mẹ se sợi nhuộm chàm chàm. Như những vòng ô xoay tròn kín đáo che mặt người thương buổi đầu gặp gỡ, như những vòng xoè rực rỡ trong đêm hội vùng cao. Đi suốt tháng năm vẫn không thể mờ phai những vòng xoay mềm mại kiên trì nhẫn nại và mộc mạc như người dân quê chịu khó, chịu thương trong mưa sớm nắng chiều.

Những năm qua nhờ các chương trình, dự án, miền núi đã và đang có thêm nhiều kênh mương bêtông cốt thép tưới nước cho các cánh đồng, sẽ có ít người duy trì cách lấy nước thủ công từ những chiếc cọn làm bằng vật liệu thô sơ. Mặc dù vậy, người miền núi vẫn sâu nặng một niềm tin còn cọn quay là còn những nốt nhạc vui mang hồn cây hồn suối, ngân mãi bản tình ca về một miền quê giàu bản sắc đang tươi mới từng ngày từ những gì xưa cũ mà nặng lòng với bao thế hệ...

Nguồn: website báo Điện Biên

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT