Tham quan Cột Cờ Hà Nội
Cột Cờ được xây năm 1812, gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế hình chóp cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch. Tầng một mỗi chiều 42,5m, cao 3,1m; có hai cầu thang gạch dẫn lên. Tầng hai mỗi chiều 27m, cao 3,7m. Tầng ba mỗi chiều 12,8m, cao 5,1m; có bốn cửa, cửa hướng Đông trên có đắp hai chữ "Nghênh húc" (đón ánh nắng ban mai), cửa Tây với "Hồi quang" (ánh sáng phản chiếu), cửa Nam với "Hướng minh" (hướng về ánh sáng), cửa Bắc không có chữ đề. Trên tầng này là thân Cột Cờ, hình trụ 8 cạnh, thon dần lên trên. Trong thân này có cầu thang 54 bậc xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh. Để tạo sự thông thoáng và ánh sáng lọt qua mỗi mặt trên thân Cột Cờ có từ 4 đến 5 ô hình hoa thị, vị trí cao nhất mỗi mặt có 1 ô hình rẻ quạt. Ðỉnh Cột Cờ được cấu tạo thành một lầu hình bát giác, có 8 cửa tương ứng 8 mặt. Giữa lầu là một trụ tròn, cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ. Toàn bộ Cột Cờ cao 33,4m. Nếu kể cả trụ treo cờ thì cao trên 41m.
Cột Cờ đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc trải qua bao thế kỷ. Khi Cách mạng Tháng tám năm 1945 thành công mang lại nền dân chủ cộng hoà Việt Nam, lần đầu tiên, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới giữa trời trên Cột Cờ.
Kỳ đài năm thước vút trời cao
Thông đạt trong tâm có đường vào
Trong sáng muôn nơi dồn cả lại
Trung tâm thiên hạ đẹp biết bao!
Vọng Canh ở trên cùng là một lầu hình 8 cạnh, mỗi cạnh có 1 cửa sổ, giữa lầu là một cột trụ tròn đường kính 40m, cao đến đỉnh và được dùng để cắm cột cờ bằng sắt treo cờ đỏ sao vàng.
Mái Cột Cờ giống như chiếc nón lợp ngói úp lên lầu vọng canh. Tại đây, 5 hoặc 6 người (có thể nhiều hơn) có thể quan sát thoải mái qua 8 cửa sổ để nhìn thấy toàn bộ nội ngoại thành Hà Nội.
Cột Cờ là một trong 5 địa chỉ lịch sử, còn được bảo tồn nguyên vẹn của Thành cổ Hà Nội; cùng với Bắc Môn, Hậu Lâu, Đoan Môn thường xuyên đón du khách trong và ngoài nước tới thăm thủ đô Hà Nội.