Non nước Việt Nam

Món ăn truyền thống trong ngày tết của các dân tộc Tây Bắc

Cập nhật: 05/02/2010 13:02:09
Số lần đọc: 3310
Mỗi một miền quê, mỗi vùng đất, mỗi dân tộc đều có những món ăn mang đậm bản sắc khác nhau đó không chỉ đơn thuần là một món ăn, mà còn là những nét văn hoá ẩm thực riêng biệt của mỗi dân tộc. Mùa xuân này mời bạn hãy lên với Văn Chấn - Mường Lò, Nghĩa Lộ (Yên Bái).

1. Thịt Trâu sấy khô ( Nhứa khoai giảng):


Người Thái thích ăn thịt trâu nhất là dịp lễ tết hội hè hoặc đám cưới xin, ma chay. Thịt trâu có nhiều cách chế biến như: Gắp nướng, xiên nướng, vùi than tro nóng, luộc... (pỉnh, mản, pho) chấm thịt trâu với nước chấm dành riêng cho mỗi loại nhưng thú vị nhất vẫn là thịt trâu sấy khô tro gác bếp, mồ hóng bám đen vào từng xiên mọi người nhìn thấy không nghĩ đó lại là món ăn đặc sản. Khi mổ trâu trọn thịt bắp ngon thái to bằng 3 ngón tay dài 20cm, ướp với gia vị tỏi, củ sả, hạt sẻng, húng rừng, bột ớt, quả muối. Tất cả bóp đều với thịt để ướp khoảng 1 tiếng đồng hồ, dùng xiên tre xiên vào từng xiên gác lên gác bếp, sấy bằng than củi, trấu 3 ngày 3 đêm sao cho thịt khô và đỏ ngửi có mùi ngọt của thịt, thơm của gia vị, của khói khi ăn vùi thịt xuống tro nóng của than chừng 5 - 10 phút, bỏ ra đập mỏng, mùi thơm của thịt, của gia vị bốc lên thơm lừng, chấm thịt trâu nướng với tương ớt và chút rượu nếp Tú Lệ thì thật tuyệt vời.

 

2. Cá suối nướng (Pa pỉnh tộp):


Đến với Mường Lò không ai không biết đến món cá pỉnh tộp chọn những con cá chép, cá suối to bằng bàn tay rửa sạch mổ phanh cá ra đằng sau lưng, ướp gia vị gồm: Hạt sẻng, tỏi, gừng, hành củ, rau húng rừng, lá gừng, rau mùi, ớt, muối và không thể thiếu rau thối (Pắc nam min) lá thối hình kim, gai nhỏ ở cuống cành mọc ở bờ rào tất cả những thứ trên băm hoặc giã nhỏ trộn đều rồi ốp vào cá, gập thân cá lại (đuôi đầu bẻ gẫy vào nhau) dùng cặp tre cặp cá lại, nướng trên than củi. 


Để giữ gia vị thấm đều, cá chín vàng cần giữ khoảng cách giữa cá và than sao cho không để cặp tre cháy, cá chín đều không để trong sống ngoài chín khi chín có mùi thơm và ngon đặc biệt, ăn một lần lại nhớ không quên.

 

3. Cháo mắc nhung:


Là món ăn dân tộc được chế biến từ loại quả cà dại (quả ngố) hái từ trên rừng về, loại quả này rất nhỏ (quả to bằng quả hạt tiêu) có vị đắng ngọt, hơi hăng hắc. Quả mắc nhung mọc đầy trên nương rẫy, bắt đầu chín mọng bà con hái đem về, vặt từng quả, rửa sạch. Cho một ống gạo nếp Tú Lệ vào nồi đun chín, lúc đó mới cho quả cà dại vào tiếp theo cho một chút thịt gà băm nhỏ cùng với một số gia vị tăng thêm phần hấp dẫn như: gừng, xả, hạt sẻn… Đun sôi khoảng 20 phút, sau khi thấy món ăn sền sệt, mùi của gừng, xả, hạt sẻn... bốc lên thơm lừng, nếm thử món này ta bắt gặp nơi đầu lưỡi vị ngăm ngăm đắng ngọt, dịu, hơi cay rất hấp dẫn, ngày trước món cháo mắc nhung rất bình thường nhưng giờ đây nó đã trở thành món đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Đón xuân có thêm món cháo (mắc nhung) đầy hương vị đồng quê thiết đãi bạn bè thì thật tuyệt.

 

4. Cơm lam:


Món ăn được làm từ gạo nếp nấu trong ống nứa, tiếng Thái gọi là Co má ngã. Người Thái lên rừng chọn những ống nứa to bánh tẻ có các đốt dài từ 50 - 60cm, vỏ dầy, bên trong có lớp màng dai. Cho gạo nếp và nước vào ống, để khoảng 2-3 tiếng, dùng lá dong nút lại sau đó đem đốt trên đống lửa.


Khi gạo chín, dùng dao sắc tước vỏ ta thấy lộ ra một lớp màng dai mỏng óng ả màu trắng rất hấp dẫn, sau đó đem cắt từng khúc rồi ăn cùng với nhẩm chéo, muối vừng, ruốc mắm cá… Mùi hương của nếp quyện cùng vị đậm của vừng, vị ngọt của cá của tre sẽ đọng lại trong ta những cảm giác khó quên.

Nguồn: Báo Du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT