Hoạt động của ngành

Mười hoạt động nổi bật của ngành du lịch trong năm 2009

Cập nhật: 05/02/2010 15:40:27
Số lần đọc: 4128
Mặc dù năm 2009 có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam có phần giảm sút, nhưng ngành du lịch nước ta vẫn đạt được một số thành tựu nhất định, ngăn chặn đà giảm sút và bắt đầu khởi sắc vào dịp cuối năm.

Vừa qua, Tổng cục Du lịch Việt Nam và báo Du lịch đã tổ chức bình chọn mười hoạt động nổi bật nhất, góp phần tạo nên những thành tựu của ngành trong năm 2009.

Năm vừa qua, mặc dù chỉ đón được 3,8 triệu lượt du khách quốc tế, giảm 11,5% so với năm 2008 nhưng lượng du khách nội địa lại tăng 19%, đạt 25 triệu lượt người. Doanh thu từ du lịch trong cả năm vẫn tăng mạnh so với năm 2008 và ước đạt khoảng 68 đến 70 nghìn tỷ đồng. Trong lĩnh vực đầu tư du lịch, tính đến tháng 11/2009, đã có 31 dự án đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống được cấp mới với số vốn đăng ký là hơn 4,979 tỷ USD, có tám dự án đăng ký tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 3,8 tỷ USD, nâng tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống lên 8,8 tỷ USD, chiếm khoảng 44,7% tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta. Ðể có được những thành tựu nêu trên phải kể đến sự nỗ lực của ngành du lịch với sự hỗ trợ của các ban, ngành liên quan và các địa phương, đã cùng nhau triển khai nhiều hoạt động hiệu quả trong năm để ngăn chặn đà suy giảm. Sau đây là mười hoạt động nổi bật nhất của ngành du lịch trong năm 2009 đã được hơn 100 nhà báo, phóng viên chuyên trách về du lịch bình chọn.

1. Tổ chức thành công Diễn đàn Du lịch ASEAN - ATF 2009 và Hội chợ Du lịch ATF 2009, để lại ấn tượng tốt đẹp cho các đại biểu quốc tế tham dự, qua đó không những khẳng định năng lực, khả năng tổ chức các sự kiện quốc tế lớn của du lịch Việt Nam mà còn góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

2. Triển khai thành công và hiệu quả Chương trình "Ấn tượng Việt Nam", góp phần chặn đà suy giảm khách quốc tế, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng khách nội địa, tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch, giúp nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam vượt qua được những khó khăn to lớn do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thiên tai và dịch bệnh gây ra.

3. Tổ chức thành công một loạt các lễ hội, sự kiện văn hóa du lịch như: Liên hoan du lịch Mê Kông-Nhật Bản; Lễ hội bắn pháo hoa tại Ðà Nẵng; Liên hoan quốc tế cồng chiêng Tây Nguyên; Festival diều quốc tế tại Vũng Tàu... góp phần xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa Việt Nam độc đáo, thu hút khách đến nước ta.

4. Tổ chức thành công các chương trình giới thiệu điểm đến Việt Nam tại Trung Quốc, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Ðài Loan và Pháp, góp phần quan trọng quảng bá điểm đến Việt Nam tại các thị trường trọng điểm này, tạo đà tăng trưởng các thị trường này trong năm 2010.

5. Tổng cục Du lịch đã chủ động nghiên cứu đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ một số chính sách mới liên quan đến du lịch và được Chính phủ cho phép giảm 50% thuế VAT cho các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển; miễn lệ phí thị thực cho khách quốc tế vào Việt Nam theo Chương trình "Ấn tượng Việt Nam"; cho phép các doanh nghiệp liên doanh lữ hành được phép đưa khách outbound đi du lịch nước ngoài; cho phép các khách sạn từ 4 đến 5 sao được kéo dài dịch vụ giải trí đến hai giờ sáng. Các chính sách mới này đã góp phần giúp các doanh nghiệp du lịch khắc phục những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

6. Khách du lịch nội địa đạt mức tăng trưởng kỷ lục, tạo sự chuyển biến trong đầu tư phát triển du lịch, thực hiện thành công chính sách kích cầu nội địa người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

7. Ðầu tư xây dựng các đề án phát triển quan trọng của ngành như: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Ðề án phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020; Ðề án phát triển du lịch biên giới Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia đến năm 2020 và Ðề án phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020.

8. Tổ chức thành công các đợt khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch mới tại các tỉnh Tây Nguyên, đồng bằng Nam Bộ, ven biển miền trung, các tỉnh Ðông Bắc, góp phần quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, đa dạng hóa sản phẩm, loại hình du lịch để thu hút khách du lịch cũng như giúp các địa phương có được định hướng đúng và đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.

9. Khai thông được tuyến du lịch đường bộ cho khách Trung Quốc sử dụng giấy thông hành vào Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn sau nhiều năm bị đình trệ, tạo điều kiện khôi phục tăng trưởng lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam.

10. Tổ chức thành công nhiều Hội thảo Du lịch quan trọng như: Hội thảo phát triển du lịch biên giới; Hội thảo Phát triển du lịch đường bộ; Hội thảo phát triển du lịch Phú Yên trong liên kết phát triển du lịch các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ; Hội thảo phát triển du lịch đường sông; Hội thảo phát triển du lịch bền vững đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Tổng Biên tập báo Du lịch Nguyễn Ðại Bàng, đây là lần đầu Tổng cục Du lịch và báo Du lịch phối hợp đại diện các báo tổ chức bình chọn mười hoạt động nổi bật của ngành du lịch trong năm. Kết quả bình chọn nêu trên không chỉ là sự biểu dương mà còn tổng kết về những thành tựu của ngành du lịch nước ta, nhìn lại những việc đã làm được một cách hiệu quả trong năm, là tiền đề khôi phục tốc độ tăng trưởng du lịch trong năm 2010.

(Trung tâm Thông tin Du lịch)

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục