Hành trang lữ khách

Du xuân Mường Lò - Yên Bái

Cập nhật: 26/02/2010 15:19:19
Số lần đọc: 2444
 “Muốn ăn gạo trắng nước trongVượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò’’ Câu ca xưa như lời mời gọi du khách đến với Mường Lò (tỉnh Yên Bái). Nếu đến đây vào dịp xuân mới, bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức những nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của bà con các dân tộc ở vùng này.

’’Nhất Thanh, nhì Lò, tam Chan, tứ Tấc’’. Trong số bốn thung lũng lớn nổi tiếng vì phong cảnh đẹp và khí hậu trong lành ở vùng Tây Bắc, thì cánh đồng Mường Lò được xếp thứ hai sau Mường Thanh (tỉnh Điện Biên) và đứng trên Mường Than (Than Uyên, Lai Châu) và Mường Tấc (Phù Yên, Sơn La). Mường Lò hiện nay gồm thị xã Nghĩa Lộ và một số xã thuộc huyện Văn Chấn. Từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng Mường Lò như một cái chảo lớn, xung quanh là những triền núi quanh năm mây phủ. Vào mùa xuân, sương mù càng đậm đặc hơn.

Vào mùa xuân, khi hoa ban, hoa đào, hoa mận nở trắng cả thung lũng Mường Lò là thời điểm bà con các dân tộc tưng bừng mở hội. Người Thái có câu tục ngữ “Muốn biết lòng chủ nhà thế nào hãy xem họ mời rượu’’. Vào ngày hội Lồng Tồng (xuống đồng), bạn sẽ được mời về thăm một gia đình người Thái: Chủ nhà sẽ xuống chân cầu thang đón khách lên nhà và cùng uống rượu với gia đình.

Sau vài tiếng giao lưu và trở nên thân thiết thì chủ nhà sẽ kể về sự tích Mường Lò, khắp (hát) và thổi khèn bè, sáo... cho khách thưởng thức. Thậm chí chủ nhà sẽ gọi phụ nữ trong bản đến để múa xòe. Khi tan cuộc, chủ nhà lại tiễn khách ra tận cầu thang, không quên mời chén rượu hẹn ngày gặp lại. Dịp tết cũng là lúc người Thái ở xã Hạnh Sơn làm lễ sên đông, sên bản. Người Dao ở xã Nậm Lành làm lễ cấp sắc, tết nhảy. Người Tày ở xã An Lương mở hội Cầu cạnh, còn người Tày ở xã Đồng Khê mở hội Tăm khẩu mẩu (Hội giã cốm). Người Mường ở xã Thanh Lương, Sơn A mở hội ở hang Thẩm Han vào ngày mùng 6 tết để tưởng nhớ nàng Han, người con gái Mường đã lãnh đạo dân bản chống lại giặc Khăn Vàng bên Trung Quốc (năm 220 trước CN) và anh dũng hy sinh.

Ngoài đặc thù văn hóa phi vật thể đậm đà bản sắc, Mường Lò còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với nhiều hang động và suối nước nóng. Suối Bon Bon (xã Sơn Dã) có hàm lượng lưu huỳnh cao, có thể phát triển du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, chữa bệnh. Khu du lịch suối nước nóng Bản Hốc ở xã Sơn Thịnh đã được đầu tư từ vài năm nay và bắt đầu thu hút khách. Bên ngoài phạm vi cánh đồng Mường Lò nhưng cũng thuộc địa bàn huyện Văn Chấn còn có suối nước nóng ở xã Tú Lệ dưới chân đèo Khau Pha, hiện vẫn hoang sơ cũng như phong tục tắm suối hồn nhiên của bà con người Thái. Đặc biệt là xã Suối Giàng ở độ cao hơn một nghìn mét so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, với đặc sản chè tuyết nổi tiếng hàng trăm năm nay.

Hiện ở Suối Giàng có hàng chục ha trồng chè tuyết, trong đó có hàng trăm cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Trong tương lai gần, Suối Giàng sẽ trở thành khu du lịch văn hóa - nghỉ mát.

Nguồn: website báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục