Hành trang lữ khách

Tháng Giêng núi Bà Đen-Tây Ninh thu hút khách

Cập nhật: 01/03/2010 13:40:52
Số lần đọc: 3628
Đi núi, đi chùa vào đầu năm mới là những tour du lịch khá đắt khách. Các doanh nghiệp thiết kế khá nhiều tour du lịch hành hương hấp dẫn. Nhưng phần lớn khách đi tự túc vừa thưởng ngoạn sơn thủy vừa viếng những điểm hành hương “ruột”, cầu tài lộc và bình an cho gia đình trong suốt năm...

Tây Ninh là một trong những điểm đến của nhiều du khách vào những ngày đầu năm mới. Ngay từ đêm Giao thừa đã có hàng ngàn khách đổ về và kéo dài đến hết tháng Giêng. Ở Tây Ninh có núi Bà Đen được xem là ngọn núi cao nhất miền Nam với độ cao 986m, nằm cách thị xã Tây Ninh khoảng 10 km về phía Đông Bắc. Khu vực núi Bà Đen có nhiều đình chùa, hang động đẹp và từng là căn cứ cách mạng gắn với những chiến công hào hùng của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam. Những hang động này từng là nơi che chở cho chiến sĩ cách mạng trước bom đạn kẻ thù. Hiện nay, đường lên núi đã có cáp treo thích hợp cho người lớn tuổi và máng trượt phù hợp với khách thích cảm giác mạnh. Lối đi bộ rộng rãi nằm dưới tàn cây mướt rượt luôn hấp dẫn nhiều du khách, nhất là khi cáp treo và máng trượt đã quá tải trong những ngày cao điểm. Mùa này, khách đi núi cả ngày lẫn đêm. Người dân địa phương thường tranh thủ những ngày Tết rảnh rỗi để “thượng sơn” vãn cảnh và chiêm bái. Họ thường lên núi vào chiều tối và ngủ đêm trên núi.

Chùa Bà là nơi thờ Bà Đen nằm ở lưng chừng núi. Mái chùa là phiến đá to nhô ra tạo khoảng trống bên dưới làm nơi thờ tự. Bên ngoài, nhiệt độ 36-37 độ C nhưng bước chân vào chùa, khách có cảm giác mát lạnh. Khách đến đây để chiêm bái, trả lễ và “vay mượn” tiền Bà với niềm tin sẽ làm ăn phát đạt. Phía sau chùa là tượng Phật nhập Niết Bàn và cũng là nơi ngắm cảnh lý tưởng. Gần đó là Hang Gió có địa hình hiểm trở. Tuy nhiên, để tránh gây thương tích đối với khách nên hang được rào lại. Những du khách thích cảm giác mạo hiểm lại thường tìm đến đứng trước miệng hang tối tăm, sâu thẳm. Gió lồng lộng thổi từ hang ra mang đến một cảm giác rất lạ. Bước thêm vài bước chân là đến con suối bắt nguồn từ đỉnh núi, nước chảy ào ào lấp lánh ánh bạc nên được gọi là suối Bạc. Mùa mưa, nước suối tuôn ào ào, mùa khô, nước róc rách len lỏi trong các hốc đá rồi tích tụ thành một vũng nước lớn cho khách tắm thỏa thích. Đứng ở vị trí lưng chừng núi, khách có thể nhìn toàn cảnh rộng lớn ruộng lúa, vườn cây ăn trái... bạt ngàn. Cách đó chừng 30km là hồ Dầu Tiếng-ranh giới giữa hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh. Đây là hồ thủy lợi cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho khu vực này và cũng là điểm du lịch thu hút nhiều du khách hàng năm.

Mùa cao điểm du khách thăm núi Bà Đen là vào tháng Giêng và tháng Tám âm lịch hằng năm, trùng hợp hai sự kiện lớn của tín đồ Cao Đài Tây Ninh: Lễ vía đức Chí Tôn-vị thần linh tối cao trong tín ngưỡng Cao Đài vào Mùng 9 tháng Giêng và Hội yến Diêu trì cung vào lễ Trung Thu. Khách đến Tây Ninh vào dịp này sẽ thưởng thức được không gian lễ hội tín ngưỡng với nhiều nghi lễ lạ mắt. Các tín đồ trong bộ trang phục áo dài trắng chiêm bái tại Đền Thánh và Đền thờ Phật Mẫu. Thích thú nhất dịp này là trưng bày các mô hình, kết trái cây và kết hoa nghệ thuật cùng biểu diễn múa tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Múa tứ linh trong tín ngưỡng Cao Đài khác với lân sư rồng thường thấy, tạo cảm giác lạ mắt đối với khách.

Kết hợp trong chuyến hành hương Tây Ninh, khách có thể thiết kế tour gắn với các điểm đến, như: Mua sắm tại siêu thị miễn thuế Mộc Bài, vui chơi giải trí và vãn cảnh ở khu du lịch Long Điền Sơn (Tây Ninh) hay xa hơn là Suối Tiên (TPHCM) và Đại Nam (Bình Dương) để thăm Đại Nam Quốc Tự với kiến trúc độc đáo hay vui chơi tại các khu vui chơi giải trí rộng hàng trăm hécta. Nếu đến Bình Dương dịp Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng), khách sẽ còn được tham dự lễ rước vía Bà tại chùa Bà Bình Dương ở trung tâm thị xã Thủ Dầu Một. 

Nguồn: website báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục