Gìn giữ và bảo tồn bản sắc dân tộc trong Đào tạo và biểu diễn nhạc cụ truyền thống
Tham gia hội thảo có các nhà khoa học, nhà quản lý, các văn nghệ sĩ và đại diện các trường đào tạo âm nhạc truyền thống ở Trung ương và địa phương.
Nội dung chính mà Hội thảo muốn đề cập là: bảo tồn và phát huy nhạc cụ truyền thống trong đào tạo và biểu diễn như thế nào để vừa gìn giữ được bản sắc dân tộc, vừa gần gũi với cuộc sống hiện đại? Bên cạnh đó, sự gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa đào tạo và biểu diễn nhạc cụ dân tộc cũng được các đại biểu phân tích dưới nhiều góc độ. Làm thế nào để sau khi được đào tạo, người học sẽ trở thành những nghệ sĩ biểu diễn thực sự với nền kiến thức về âm nhạc vững chắc chứ không chỉ là những “thợ đàn”.
Hội thảo đánh giá, kết quả đào tạo của Học viện Âm nhạc quốc gia trong 50 năm qua đã chứng tỏ một hướng đi đúng, góp phần tạo nên vị thế quan trọng của âm nhạc dân tộc và nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc đào tạo nhạc cụ dân tộc đang đứng trước những cơ hội phát triển mới cũng như phải đương đầu với nhiều thử thách đòi hỏi sự thận trọng trong việc định hướng để không làm âm nhạc truyền thống bị đứt đoạn trong đời sống.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Chiến Thắng nhấn mạnh: Việc trước hết chúng ta cần làm là xác định rõ mục tiêu của đào tạo, tức là xác định sẽ đào tạo ra đối tượng gì? Nghệ sĩ hay nhạc công? Mặt khác chúng ta cũng phải tiến hành một cuộc tổng điều tra xã hội về nhu cầu đối với âm nhạc truyền thống để từ đó tìm ra phương thức tiếp cận với khán giả và có hướng đi phù hợp cho đào tạo và biểu diễn.