Tin tức - Sự kiện

Bình Định: Dựng tượng Hoàng đế Quang Trung phục vụ cho Festival Huế 2008

Cập nhật: 28/05/2008 15:05:52
Số lần đọc: 2076
Tối ngày 05/6/2008 tới, tại núi Bân (Huế) sẽ diễn ra Lễ hội (LH) tái hiện Lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung, nhân kỷ niệm 220 năm diễn ra sự kiện lịch sử này. Đây cũng là một điểm nhấn của Festival Huế năm nay. Hiện nay, giai đoạn I Khu Tưởng niệm Anh hùng Dân tộc Quang  Trung, trong đó có việc xây dựng Tượng đài Quang Trung, đang được gấp rút thi công để kịp hoàn thành, phục vụ cho việc tổ chức LH.

Được triển khai từ cuối tháng 1 năm 2008, Khu Tưởng niệm Anh hùng Dân tộc Quang Trung là một trong những công trình văn hóa trọng điểm của thành phố, phục vụ Festival Huế 2008.

 

Khu tưởng niệm có tổng diện tích 9,5 ha, gồm Di tích Lịch sử Quốc gia núi Bân được phục hồi tôn tạo theo nguyên tắc phục chế cùng các hạng mục xây dựng mới sẽ được triển khai trong nhiều năm. Trước mắt, để phục vụ Festival Huế, dự án ưu tiên đầu tư cho hạng mục Tượng đài Quang Trung, sân hành lễ và phục hồi di tích núi Bân gần với di tích gốc.

 

Đến nay, sau hơn ba tháng thi công, một phần hình hài Khu Tưởng niệm đã dần rõ nét. Trong đó, Tượng đài Quang Trung do Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Thuật Hà Nội chịu trách nhiệm mỹ thuật, cao 21m, sẽ là một trong những tượng đài cao nhất Việt Nam đến thời điểm này. Phần thân tượng 12m, đặc tả chân dung anh hùng dân tộc Quang Trung, sau nhiều lần điều chỉnh, bổ sung, hiện đang được hoàn thành tại Ninh Bình. Thân tượng nặng khoảng 700 tấn, được tạc bởi 8 thớt đá với 18 mảng, mỗi mảng trọng lượng từ 10 đến 60 tấn. Đến nay, việc tạc tượng đã cơ bản hoàn thành và đang được vận chuyển vào Huế để lắp đặt. Trước đó, phần bệ tượng cao 9m, trọng lượng khoảng 1.200 tấn, đúc bằng kỹ thuật đổ bê tông khối lớn, cũng đã hoàn thành sau hơn hai tháng ròng rã thi công. Theo kế hoạch, việc dựng tượng sẽ hoàn thành vào cuối tháng 5.

 

Phần sân hành lễ lát đá Thanh có diện tích 2.000m2, cũng đã hoàn thành về cơ bản. Tuy nhiên, khu vực sân dưới chân tượng đài phải đợi đến cuối tháng 5, khi dựng tượng xong, mới có thể lát đá.

 

Bên cạnh đó, theo kế hoạch, Di tích Lịch sử Quốc gia núi Bân cũng sẽ được trùng tu nhằm lấy lại hình dáng và vành đai các tầng của ngọn núi; chỉnh sửa bốn con đường lên núi vốn có bằng vật liệu bê tông giả màu đất; trồng mới 250 cây thông và một đường đi dạo quanh khu vực di tích. Tuy nhiên, do thời gian gấp rút, nên trong giai đoạn I, chỉ có thể chỉnh trang để cho khách tham quan hình dung về một ngọn núi ba tầng, hoàn chỉnh một con đường lên núi và tạo một mặt sân rộng 2.000m2, liên thông với Khu Tưởng niệm, làm nơi tập trung nhân lực, voi, ngựa… phục vụ LH. Các hạng mục này hiện đã hoàn thành.

 

Song song với công trình Khu Tưởng niệm Anh hùng Dân tộc Quang  Trung, việc chuẩn bị cho LH tái hiện Lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung tại núi Bân cũng đang được gấp rút tập luyện. Đây là một LH được đánh giá là khó tổ chức, do hạn chế về tư liệu. Thay vì tổ chức theo xu hướng sân khấu hóa, LH sẽ được dàn dựng thành một đại cảnh quy mô với khoảng 1.000 nhân vật cùng voi, ngựa, binh khí... Bên cạnh đó, yếu tố nghe - nhìn với sự tương tác, trợ giúp của các phương tiện kỹ thuật hiện đại, sẽ được vận dụng nhằm tạo một ngôn ngữ dàn dựng hiện đại, dựa trên cái nền nghệ thuật truyền thống.

 

Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Quốc Hưng (Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh), đạo diễn của LH này, cho biết: việc tập luyện đã tiến hành từ hơn 10 ngày nay, bằng việc chia nhỏ các nhóm ra để tập luyện, sau đó, mới tiến hành ráp nối các nhóm lại với nhau thành một tổng thể. Đạo diễn dự kiến, việc tổng duyệt sẽ tiến hành trước ngày LH chính thức diễn ra một ngày.

 

Công chúng đang kỳ vọng, với sự chuẩn bị chu đáo của Ban Tổ chức, những người thực hiện, LH tái hiện Lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung sẽ gợi được không khí hào hùng trong lễ lên ngôi của người anh hùng áo vải từ cách đây 220 năm; qua đó, thể hiện và tôn vinh truyền thống hào hùng, bất khuất của dân tộc.

Nguồn: Báo Bình Định

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT