Hoạt động của ngành

Người Dao Phúc Lợi (Yên Bái) giữ nghề truyền thống

Cập nhật: 10/03/2010 10:09:23
Số lần đọc: 3123
Trong những năm gần đây, nhiều ngành nghề truyền thống đã được khôi phục, duy trì và từng bước phát triển. Trong đó, nghề thổ cẩm truyền thống ở xã vùng cao Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Những sản phẩm thổ cẩm được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống với những tấm vải đủ mầu sắc, hoa văn độc đáo mang đậm nét truyền thống văn hoá với mẫu mã được lấy nguồn từ cuộc sống và cách điệu tạo nên những hoa văn sặc sỡ, công phu, giàu tính sáng tạo thông qua những đường nét trên trang phục. Chất liệu của sản phẩm được làm ra cũng từ những loại cỏ cây gần gũi với đời sống của bà con.

Với mong muốn giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của dân tộc mình, bà Triệu Thị Nhậy ở xã Phúc Lợi đã đầu tư công sức quyết tâm khôi phục nghề và là người đi đầu trong việc giới thiệu để đưa được những sản phẩm và các mặt hàng thêu dệt thổ cẩm truyền thống ra thị trường. Khi còn là đại biểu Quốc hội và là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, bà luôn trăn trở làm sao để giới thiệu được sản phẩm thổ cẩm của người Dao được nhiều người biết đến.

Nghĩ là làm, bà đã lặn lội mang những sản phẩm đi tận Hà Nội để chào hàng, rồi tham gia rất nhiều lần hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu, chào hàng cũng như nắm bắt thị hiếu của khách hàng để có thể cải tiến mặt hàng và kí kết những hợp đồng kinh tế. Ban đầu là những chiếc khăn quàng, túi đeo dùng làm quà tặng, sau đó thấy có thể bán ra thị trường, bà cùng một số chị em mạnh dạn sản xuất ra một số sản phẩm mẫu mã mới để mang đi chào hàng, kết quả là sản phẩm được nhiều người ưa thích. Rồi bà đã vận động chị em phụ nữ trong xã thành lập nên nhóm nghề thêu thổ cẩm.

Không chỉ là người cung cấp nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm cho chị em hội viên trong nhóm nghề mà bà Nhậy còn giúp đỡ nhiều chị em bị khuyết tật, phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn tạo điều kiện để họ có thêm việc làm, thu nhập trong lúc nông nhàn. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn lớn nhất đối với chị em là thiếu vốn để đầu tư cho sản xuất và thị trường đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh.

Năm 2005, được Trung tâm Giới thiệu việc làm của Hội Phụ nữ tỉnh Yên Bái tạo điều kiện giúp đỡ mở lớp dạy nghề tại xã, trước đây chị em tự làm, sản phẩm chưa đồng đều, mẫu mã chưa đa dạng phong phú, những đường kim, mũi chỉ cũng chưa được đều và đẹp. Sau  khi được qua lớp dạy nghề, chị em truyền bảo cho nhau từ đường kim, mũi chỉ cho đến cách chọn và phối màu chỉ sao cho bền đẹp, lại có tính thẩm mỹ cao, từ đó nhiều chị em biết sản xuất thêm nhiều các mặt hàng mới, biết mua thêm chỉ màu và các phụ liệu khác làm cho các sản phẩm sản xuất ra đa dạng, phong phú và hấp dẫn hơn, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của khách hàng.

Từ chỗ chỉ có một vài chị em tham gia nhóm nghề, đến nay đã vận động được gần 50 chị tham gia. Hầu hết chị em đều nhận thức được lợi ích, ý nghĩa của nghề truyền thống vừa phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày, vừa trở thành hàng hóa để có thêm thu nhập, xoá đói, giảm nghèo và góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

Không những giúp đỡ chị em trong nhóm, mà các chị đã được Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh Hội Phụ nữ Yên Bái tuyển chọn đi làm hướng dẫn viên dạy nghề cho người Dao một số xã bạn như: Khai trung, Tân Lĩnh, nhằm khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng người Dao.
 
Năm 2010 từ nguồn vốn của dự án giảm nghèo, xã đã triển khai đầu tư xây dựng dự án khôi phục làng nghề truyền thống với tổng kinh phí 200 triệu đồng trong giai đoạn 2010 - 2015, nhằm tiếp đào tạo nâng cao tay nghề cho chị em phụ nữ, kiện toàn nhóm, đổi mới tổ chức sản xuất, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, góp phần vào việc giữ gìn bản sắc riêng vốn có của dân tộc Dao và nâng cao đời sống của bà con trong xã.

Nguồn: website báo Yên Bái

Cùng chuyên mục