Non nước Việt Nam

Nét đặc sắc trong đám cưới của người Sán Dìu ở Tuyên Quang

Cập nhật: 16/03/2010 09:03:37
Số lần đọc: 3304
Theo nghi thức cổ truyền của người Sán Dìu, việc cưới xin phải tiến hành qua các bước: Lễ dạm hỏi, lễ so tuổi, lễ ăn hỏi, lễ cưới, lễ lại mặt.

Sau khi xem xét nếu thấy ưng thuận, nhà trai nhờ một người thân làm ông mối mang lễ vật gồm 10 quả cau, 10 lá trầu đến nhà gái để ngỏ lời. Khi nhà trai đến dạm hỏi nhà gái đã chuẩn bị lá số cho con gái mình gồm tên tuổi, ngày sinh, tháng đẻ để đưa cho ông mối mang về nhờ thầy cúng so tuổi.


Lựa ngày tốt, ông mối mang lá số của cô gái nhờ thầy cúng xem cùng với tuổi chàng trai để xem hai người có thể lấy nhau được không. Người Sán Dìu có cách xem tuổi dựa theo thuyết ngũ hành. Nếu so tuổi thấy hợp, ông mối sẽ báo cho nhà gái biết việc xem lá số đã thành công bằng một lễ nhỏ gồm nải chuối, 10 lá trầu, 10 quả cau. Sau mười ngày nếu nhà gái không đồng ý sẽ đem lễ vật đến trả nhà trai, nếu đồng ý sẽ không có ý kiến gì. Từ đó đôi trai gái có thể tự do đi lại tìm hiểu nhau. Đây cũng là thời gian để ông mối thông báo, hỏi ý kiến nhà gái về cuộc hôn nhân và báo cho nhà trai biết chuẩn bị lễ ăn hỏi.


Sau lễ so tuổi từ một đến ba tháng, nhà trai mang lễ vật gồm 10 quả cau, 2 phong bánh khảo, chai rượu, gói chè để báo tin cho nhà gái ngày ăn hỏi. Trong buổi báo tin này, ông mối và đại diện nhà gái sẽ thống nhất về số tiền và lễ vật thách cưới. Trong lễ ăn hỏi này, nhà trai thông báo ngày cưới, giờ đón dâu cho nhà gái.


Trước lễ cưới khoảng một tháng, ông mối đưa sang nhà gái một nửa số tiền dẫn cưới gọi là tiền đặt “cọc”, cùng với một ít trầu cau, còn nửa số tiền sẽ giao nốt cho nhà gái vào lễ cưới chính thức.


Lễ cưới của người Sán Dìu thường diễn ra trong ba ngày. Trước ngày cưới từ 15 đến 20 ngày, chọn ngày tốt, nhà trai nhờ người chặt tre đan rọ lợn, lồng gà. Giáp ngày cưới, một không khí nhộn nhịp diễn ra: Hai bên gia đình chuẩn bị đồ nấu ăn, chặt tre vót đũa, sửa sang nhà cửa... Khi hai nhà bắt đầu dựng rạp cũng là lúc nhà trai đem nốt số lễ vật đã được ghi vào hôn thư trong lễ ăn hỏi sang nhà gái. Các đồ lễ đều được dán giấy đỏ, tượng trưng cho màu của hạnh phúc, vui vẻ, đầy đủ.


Thông thường chú rể không đi đón dâu. Đoàn dẫn lễ và đi đón dâu gồm: Một quan lang trưởng làm trưởng đoàn đại diện họ nhà trai nạp các lễ vật cho nhà gái, một quan lang phụ, ông mối, một thanh niên trẻ bưng tráp trầu cau, một cô gái mang theo chiếc ô để phù dâu, bốn người khiêng lợn, một người gánh trầu cau, một người gánh rượu, một người gánh gạo. Khi đoàn đón dâu tới cổng nhà gái, nhà gái cử hai, hoặc bốn người con gái khiêng bàn ra, đặt trên đó chiếc đèn, bộ ấm chén, trầu cau... cùng một cành tre có dán giấy đỏ để chắn cửa vào. Đại diện nhà gái hát, nhà trai phải hát đối lại, nếu được thì nhà gái dọn bàn để cho nhà trai vào nhà, nếu không hát đối được, phải nộp một ít tiền nhỏ và ít trầu cau mới được vào nhà. Thông thường nhà trai phải hát đối lại ít nhất ba bài hát.


Vào nhà, ông trưởng đoàn cùng một anh bưng tráp trầu cau sắp đặt trên bàn thờ tổ tiên. Sau đó ông làm lễ trình báo với tổ tiên nhà gái, nội dung: “Hai gia đình đã sinh thành hai cháu trưởng thành. Sự tìm hiểu của hai cháu đã thuận tình và được nhờ tổ ấm của gia đình, sự vun đắp của hai họ, hai gia đình đã chọn được ngày lành tháng tốt tổ chức lễ thành hôn cho hai cháu. Chúng tôi thực sự là người có duyên, tôi được đại diện họ nhà trai đem lễ vật sang kính gia tiên bên này. Xin cám ơn họ nhà gái đã thiện tình đón tiếp, kính mời các cụ bình tâm ăn trầu, hoan hỷ uống rượu”. Nhà gái nhận đủ lễ vật xong, mờimọi người dự cưới ăn cơm tối.


Sau bữa cơm tối là lễ “Khai hoa tửu”, đây là nghi lễ không thể thiếu của đám cưới người Sán Dìu. Lễ vật do nhà trai chuẩn bị trước gồm có hai quả trứng luộc, hai sợi chỉ xanh, đỏ xuyên qua quả trứng và mỗi bên buộc hai đồng tiền xu, được đặt trên chiếc đĩa có giấy trắng, giấy đỏ được cắt hình hoa. Đặt bên cạnh là chiếc lẵng trong có bình rượu đã mở nút sẵn. Hai vị đại diện nhà gái bắt đầu bài diễn ca mừng tổ tiên. Nội dung bài diễn ca kính báo tổ tiên về lễ cưới, ca ngợi công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, căn dặn đôi vợ chồng trẻ về nết ăn, nết ở...


Đại diện nhà gái hát hỏi về mùi vị rượu, về thời gian làm rượu... Sau cùng hai quả trứng luộc được bóc vỏ, lấy lòng đỏ hoà rượu mời mọi người dự cưới uống. Tiếp theo, đại diện người già họ nhà gái lên hát đố về chữ. Quan lang dù biết có thể giải được nhưng vẫn phải đứng ra xin thua. Sau lễ “Khai hoa tửu”, mọi người hân hoan hát chúc mừng cô dâu chú rể hạnh phúc. Trai gái vui hát Soọng cô suốt đêm, mọi người ở lại để hôm sau đưa cô dâu về nhà chồng.


Sáng hôm sau, nhà gái tiếp tục mở tiệc chiêu đãi họ hàng, làng xóm. Đến chiều tối, gần giờ đón dâu, mọi người giúp cô dâu trang điểm. Trước khi ra khỏi nhà, cô dâu ra làm lễ tổ tiên và khóc than khi chia tay với cha mẹ, anh chị em ruột, họ hàng. Chọn giờ tốt, cô dâu bước ra khỏi ngưỡng cửa, được anh trai cõng ra khỏi giọt gianh của nhà ba bước, dưới chiếc ô của ông trưởng đoàn che thì đặt xuống. Cô dâu phủ trên đầu hai tấm khăn một màu xanh, một màu đỏ, bước đi từng bước tỏ lòng luyến nhớ gia đình và họ hàng. Đi theo cô dâu là đoàn đón dâu của nhà trai và đoàn đưa dâu của nhà gái. Trên đường đi mỗi khi qua con suối hay giếng nước, cô dâu phải thả vào đó mấy đồng tiền lẻ để cầu mong may mắn. Khi gặp đám đón dâu khác, hai cô dâu thường trao đổi với nhau một vật nhỏ để chúc nhau hạnh phúc.


Đến tối, đoàn đón dâu được mời vào nhà. Cô dâu đi thẳng đến buồng dành cho mình. Vào buồng, cô dâu được một bà cô bên chồng trải chiếu mời ngồi và giúp sắp xếp đồ đạc. Nhà trai tổ chức bữa cơm mừng cô dâu mới. Cô dâu làm thủ tục nhận mặt họ hàng nhà trai. Suốt đêm trai gái tổ chức hát đối đáp chúc mừng.


Sang ngày thứ ba, cô dâu cùng mẹ chồng và một vài bà bác hoặc dì mang hai chiếc chân giò lợn, hai con gà, hai chai rượu trở về nhà bố mẹ đẻ làm lễ lại mặt. Nhà gái làm lễ cúng gia tiên. Cô dâu đi thăm hàng xóm xong trở lại ở hẳn nhà chồng.


Đám cưới của người Sán Dìu không chỉ là sinh hoạt tinh thần mà còn thể hiện tình cảm, đạo đức, lối sống, phép ứng xử giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên... Với những nghi lễ đặc sắc đám cưới của dân tộc Sán Dìu là một sinh hoạt văn hoá dân gian, một đặc trưng văn hoá của dân tộc Sán Dìu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT