Về Đào Xá (Phú Thọ) vui hội rước voi
Là một miền đất cổ, Đào Xá là một trong những cái nôi của nền văn hoá dân gian với nhiều di tích lịch sử văn hoá trong đó có 2 di tích cấp Quốc gia là đình Đào Xá và đền Tam Công.
Bốn phương tụ hội.
Đình thờ Hùng Hải Vương – em thứ 19 của Vua Hùng. Tương truyền vào thời Hùng Vương dựng nước, Hùng Hải được anh là Vua Hùng cử đến cai quản vùng Tam Giang (nơi giáp 3 con sông: sông Đà, sông Hồng và sông Bứa) gồm địa phận Đào Xá, Hưng Hoá và Thọ Sơn. Hùng Hải lấy Trang Hoa đã lâu mà chưa có con. Ngày 28 tháng Giêng năm ấy hai ông bà cùng đi thuyền du xuân từ Thọ Sơn sang Đào Xá dựng lầu nghỉ ở đây một đêm sau về Trang Hoa thụ thai, tròn một năm sinh được 3 người con trai là: Đạt Công Long Vương, Mãn Công Long Vương và Uyên Công Long Vương. Các con vừa cất tiếng khóc chào đời thì Trang Hoa hoá thân. Hùng Hải ở lại dạy dân trị thuỷ làm ăn và nuôi dạy các con khôn lớn rồi ông giao miền đất này cho 3 con cai quản còn mình về trông nom miền sông Nhị (địa phận tỉnh Hải Dương) ngày này.
Lễ rước voi.
Vua Hùng thấy ông là người có công lớn đã ban thưởng cho 2 thớt voi chiến làm phương tiện đi lại. Trước khi chia tay về sông Nhị, ông đã dẫn đôi voi về làm lễ tạ 3 lần. Cuộc tiễn đưa Hùng Hải ra đi đầy quyến luyến và cảm động. Sau này với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” nhân dân Đào Xá đã tôn ông làm Thành Hoàng làng, lập đình thờ tại đây, hàng năm tổ chức tế lễ, mở hội rước voi truyền thống…
Đình là nơi gọi đàn, nhớ tổ nên cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, làng lại mở hội đình trong ba ngày từ 27 đến 29 tháng Giêng. Với người dân địa phương, đây là dịp dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, dựng làng, cầu phúc, cầu may, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, dân an, nước thịnh. Lễ hội gồm 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ tiến hành rước voi, hương án, long báu, bài vị, hòm sắc và tế Thành Hoàng. Phần hội tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đánh vật, cướp gà, lấy nước, giã gạo, kéo lửa nấu cơm thi… Hình ảnh đôi voi rước trong ngày hội đã trở thành tâm điểm, hấp dẫn của nhiều người, vì vậy nhân dân trong vùng quen gọi hội đình Đào Xá là hội rước voi Đào Xá. Để ngày hội voi mãi là ấn tượng đẹp đẽ của mọi người, hàng năm cứ đến tháng 10 âm lịch các cụ cao niên trong xã lại tuyển người khéo tay đan lát ra đình đan voi, may áo, khâu bành, dựng lầu voi và cử từ 8 đến 10 thanh niên khoẻ mạnh có tầm vóc ngang nhau vào đội rước voi luyện tập.