Chiêm Hóa (Tuyên Quang) khai thác tiềm năng du lịch
Trong hơn 9 vạn ha rừng, huyện có trên 9.000 ha rừng đặc dụng ở các xã Kim Bình, Hòa Phú, Hà Lang, Trung Hà với nhiều loài cây cổ thụ, động vật hoang dã quý hiếm, có thể mở các tua du lịch sinh thái, tham quan ấn tượng.
Chiêm Hoá còn là nơi sản xuất, chế biến những đặc sản, những món ẩm thực độc đáo, như: Gạo nếp nương, gạo nếp cái hoa vàng, bánh gai, rượu nếp cái, rượu hoẵng, rượu chuối, rượu báng, rượu đao, mắm cá chép ruộng, cơm lam, xôi 5 màu, 7 màu. Cạnh đó là làng nghề mây tre đanxã Trung Hà,chế tác gỗ lũa của thị trấn Vĩnh Lộc. Năm 2009 vừa qua, Chiêm Hoá đã tổ chức thành công tuần lễ du lịch với chủ đề “ Âm vang Bản Ba” thu hút hàng vạn lượt khách du lịch. Lễ hội truyền thống của dân tộc Tày (Lễ hội Lồng tông ngày 8 tháng Giêng) năm nay đã được phục dựng theo nghi lễ truyền thống của dân tộc Tày cổ xưa, đồng thời làm cơ sở để lập hồ sơ khoa học đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận lễ hội là Di sản văn hoá phi vật thể. Phần lễ được bắt đầu từ tối mùng 7 với nghi lễ cúng tế trong ngôi đền Bách Thần.
Đền Bách Thần mới được xây dựng lại tại tổ 9 thị trấn Vĩnh Lộc trên sườn núi Bách Thần, nhìn theo hướng Tây Bắc. Đền thờ cả trăm vị thần, như các thiên thần, địa thần, nhân thần, thờ anh hùng dân tộc, người có công với địa phương... Tục truyền, đền Bách Thần còn được gọi là Phúc Thần, tức vị thần ban phúc cho nhân dân. Nhờ đó, đền có vai trò rất lớn trong đời sống văn hoá tinh thần của người dân Chiêm Hoá. Với hướng và địa thế đẹp, trong tương lai, nơi đây sẽ thu hút du khách thập phương trong tua du lịch: Thị xã Tuyên Quang - Kim Bình - đền Bách Thần. Nhìn từ ngôi đền hay đỉnh núi Bách Thần, du khách có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của thị trấn Vĩnh Lộc bên dòng Gâm thơ mộng.