Lễ hội Đền Chín Gian (Nghệ An): Nét tín ngưỡng độc đáo vùng cao
Huyền tích xa xưa....
Đền Chín Gian được xây dựng từ đầu thế kỷ XIV tại Pú Chò Nhàng, (bản Khoẳng- Châu Kim- Quế Phong). Trong tâm thức của đồng bào Thái vùng Phủ Quỳ thì đây là nơi hướng về trong tín ngưỡng tâm linh đối với Thẻn Phà (trời), Náng Xỉ Đả (con gái trời) và Tạo Ló Ỳ - người được coi là có công đầu trong việc khai mường, lập đất. Đền có tên là "Tến xớ quái" (đền hiến trâu), nhưng vì có 9 gian nên bà con thường gọi là "tến cau hoong" (có nghĩa là đền chín gian).
Truyền thuyết kể lại rằng: Một năm, vào ngày mở hội tế trời, khi chuẩn bị hành lễ hiến trâu, bỗng có con rồng bay đến cuốn đi con trâu trắng của Mường Tôn. Thấy điềm xấu, Tạo Mường liền cho giết trâu làm lễ, khấn xin trời phật, tổ tiên để chuyển dời đền đi nơi khác. Tương truyền, có con quạ cổ khoang trắng đến gắp miếng xương trâu nơi đền cũ bay đi và thả xuống một ngọn đồi nhỏ phía nam mường Tôn, còn gọi là Pú Căm (Núi vàng), tục gọi là Pú quái (núi trâu). Đền được dựng ở đó cho đến ngày nay.
Thuở xưa, Lễ hội đền Chín Gian được tổ chức ba năm một lần vào tháng 8 âm lịch hàng năm, là dịp để người dân chín bản mười mường vùng Phủ Quỳ cùng hành hương về nơi đất gốc mở hội tế trời, lễ tổ, cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Năm 2004, thuận theo nguyện vọng của đông đảo bà con, ngôi đền có tiếng linh thiêng này đã được phục dựng, như sự trân trọng nét tín ngưỡng tâm linh độc đáo của bà con người Thái vùng Tây bắc. Đền bao gồm một ngôi nhà đền 9 gian; một ngôi nhà thờ hai gian, một gian thờ Bác Hồ và một gian thờ phật. Từ năm 2006, Lễ hội Đền Chín Gian với quy mô hoành tráng được tổ chức trở lại, vào trung tuần tháng 2 âm lịch hàng năm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh nhớ về tổ tiên, cội nguồn của đồng bào Thái. Năm 2008, đền được công nhận Di tích văn hoá cấp tỉnh.
Nét tín ngưỡng độc đáo vùng cao
Điểm nhấn đặc sắc, độc đáo của lễ hội Đền Chín Gian là lễ "hắp quái"- tức lễ hiến trâu. Đã thành lệ, lễ vật đầu tiên và không thể thiếu mà dân Mường Tôn dâng lên trong các dịp lễ tế trời và Tạo Ló Ỳ bao giờ cũng là một con trâu cái trắng- vật lễ trong các cuộc cúng tế linh thiêng nhất. Hai mường khác là mường Quáng và mường Puộc cũng hiến trâu trắng nhưng là trâu đực, những mường còn lại cúng trâu đen, nhưng phải là trâu không bị khuyết tật, đặc biệt do hổ vồ. Sau khi trâu được đưa xuống tắm ở bến sông Tà Tạo (bến Quan), lễ chém trâu sẽ được tiến hành trong tiếng reo hò của bà con về dự lễ. Thịt trâu được đặt lên bậc sạp cao nhất của gian đền. Bà mo làm lễ nạp trâu suốt ba ngày đêm, rồi đem chia ra, nấu lên cho mọi người cùng ăn.
Nét tín ngưỡng rất riêng của đồng bào Thái còn thể hiện rất rõ trong các hình thức hát khắp, hát nhuôn. Ở mỗi gian đền, khi bà mo hành lễ, đằng sau thường có 6-8 cô gái hát đệm bài cúng, kể về cuộc hành trình lên mường Trời, trong hành trình ấy có cả đường sông, đường bộ. Khi bà mo cúng đến chỗ đi thuyền, các cô gái hát "Hắp khắp nhứa", tức hát đẩy thuyền, tới chỗ Vua ở thì hát Chầu Phủa, tức lạy Vua. Năm nay, còn có thêm lễ thả chim phóng sinh, như làm một việc thiện tốt lành dâng lên các vị thần linh.
Nếu phần lễ trang trọng bao nhiêu, thì phần hội lại náo nhiệt, vui vẻ bấy nhiêu. Mỗi mường cử ra 9 đấu thủ đua tài trong trò chơi bắn nỏ, với phần thưởng là những mảnh vải vuông do các cô gái tự dệt, một hộp đựng thuốc bằng bạc và một túi da đựng trầu cau. Các cuộc thi vui khác như kéo co, vật, ném còn, nhảy sạp, khắc luống, lăm vông, bắn nỏ, uống rượu cần, liên hoan nghệ thuật quần chúng, thi Người đẹp 9 mường... luôn là những hoạt động văn hoá đặc sắc, thu hút đông đảo người xem. Nhưng sôi nổi và tình tứ hơn cả, vẫn là các hình thức diễn xướng dân gian mang đậm nét văn hoá dân tộc như nhảy sạp, hát giao duyên, đặc biệt là hát lăm, nhuôn chúc tạo mường sống lâu, cho 9 bản 10 mường được bình yên, no ấm.
Năm nay, huyện Quế phong đã đầu tư hơn 600 triệu đồng, xây dựng 14 khung trại bằng bê tông phun giả gỗ, các xã thị sẽ làm nhà sàn, trang trí trên khung có sẵn. Trong nhà sàn sẽ trưng bày các sản vật thể hiện nét văn hoá độc đáo của bà con người Thái vùng Tây Bắc. Đặc biệt, phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong, phó BTC lễ hội- bà Trần Thị Mùi cho biết: Năm nay, huyện đã cho xây dựng hai gian hàng, giới thiệu những sản phẩm truyền thống của Quế Phong như vải thổ cẩm, đồ thủ công mỹ nghệ mâm mây, ghế mây, sản phẩm mây tre đan, các món ăn đặc sản vùng cao như cơm lam, mọc, chẹo...