Lương Sơn Bạc (Trung Quốc): Kỳ tích của các anh hùng
Lương Sơn Bạc là một địa danh trong tác phẩm Thủy hử của Thi Nại Am, đây là căn cứ của lực lượng nổi dậy do "108 anh hùng Lương Sơn Bạc" lãnh đạo. Đó là một vùng đầm, hồ mà theo sự mô tả trong tác phẩm rộng tới 800 dặm.
Trong thực tế, đúng là trước đây quanh núi Lương có nhiều đầm, hồ nước. Núi Lương vốn là một ngọn núi thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Sơn Đông cao 197,9 m so với mực nước biển.
Năm 1289, sông Hoàng Hà đổi dòng đi qua vùng này nhấn chìm hầu hết các hồ. Đến thời nhà Minh, chỉ còn lại 5 hồ nước.
Năm 1853, sông Hoàng Hà lại đổi dòng lên hướng Bắc, các hồ bị thu nhỏ lại do phù sa, do rác thải và do lấp hồ. Ngày nay ở vùng này chỉ còn một hồ nước gọi là hồ Đông Bình ở huyện Lương Sơn thuộc thành phố Tể Ninh.
Thủy Hử nói về nhóm người chống triều đình mà trở thành giặc cướp, thường gọi là 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. Nơi đây là nơi tụ nghĩa của những nhân tài như Lâm Sung giáo đầu, Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm, Công Tôn Thắng, Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa, Ngô Dụng, Quan Thắng, Hô Duyên Chước, Hoa Vinh, Sài Tiến, Lý Ứng, Châu Đồng, Đái Tông, Lý Quỳ, Nguyễn Tiểu Thất… Tất cả đều có chung một điểm là bất mãn với chế độ muốn lật đổ triều đình.
Triều đình nhà Tống nhiều lần phát quân đi đánh dẹp đều bị quân khởi nghĩa đánh bại. Thái uý Cao Cầu đích thân cầm quân đi dẹp, bị quân Lương Sơn bắt sống. Tuy nhiên, do thủ lĩnh Tống Giang mang nặng tư tưởng trung quân ái quốc nên đã sai thả Cao Cầu và xin được về quy thuận triều đình.
Dù bị nhiều ý kiến phản đối (nhất là Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm, và Lý Quỳ), Tống Giang vẫn quyết ý dẫn các thủ hạ về quy hàng khi được triều đình chiêu an.
Sau khi về hàng triều đình, quân Lương Sơn được điều đi chống quân nhà Liêu xâm phạm bờ cõi nhà Tống. Quân Lương Sơn thắng quân Liêu liên tiếp nhiều trận, sắp tiến đến kinh đô nước Liêu thì vua Huy Tông theo lời các gian thần, chấp thuận cho nước Liêu giảng hòa và hạ lệnh Tống Giang rút quân.
Trở về, triều đình lại phái quân Lương Sơn đi đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa khác của Điền Hổ, Vương Khánh và Phương Lạp. Với đội ngũ thiện chiến, tài năng, quân Lương Sơn dưới cờ hiệu của triều đình nhà Tống đã dẹp được cả 3 cuộc khởi nghĩa quy mô lớn này.
Khi đánh quân Liêu và các cuộc khởi nghĩa nông dân khác của Điền Hổ, Vương Khánh, họ toàn thắng và không có tướng lãnh nào tử vong. Tuy nhiên, khi đánh Phương Lạp, quân Lương Sơn bị tổn thất nặng. Và khi giặc giã không còn, nhà Tống tìm cách trừ khử họ. Sự suy giảm quân số chỉ diễn ra khi quân Lương Sơn đụng độ quân Phương Lạp. Cho tới khi hạ đội quân này và bắt sống thủ lĩnh của họ các anh hùng Lương Sơn Bạc bị tổn thất rất nhiều.
Trong 108 người, 5 người không tham dự cuộc chiến với Phương Lạp do được lệnh ở lại hoặc bị gọi về, 103 người tham dự cuộc chiến với Phương Lạp thì có 76 người bị tử trận hoặc không trở về triều nhận quan tước, 27 người trở về triều.
Lương Sơn Bạc, nơi tụ nghĩa của 108 vị anh hùng hảo hán vùng lên chống lại ách áp bức, bóc lột của triều đình nhà Tống đã đi vào lịch sử, đi vào cuộc sống và được truyền từ đời này qua đời khác qua những câu chuyện kể dân gian, gắn liền với những danh lam thắng cảnh liên quan đến 108 vị anh hùng.
Thời thế đổi thay, người ta chợt nhận ra rằng chính những vùng đất, những con người, những truyền thuyết hay câu chuyện dân gian ấy lại có thể biến thành làm thay đổi diện mạo cho cả một vùng, một địa phương, đó là phát triển du lịch.