An Giang - Chú trọng đầu tư phát triển kinh tế du lịch
Với hệ thống sông ngòi, vùng chuyên canh vườn cây ăn trái, làng nghề tiểu thủ công nghiệp, các di tích lịch sử văn hoá… An Giang có nhiều điệu kiện thuận lợi để phát triển kinh tế du lịch. Đặc biệt, đến mùa nước nổi, An Giang luôn cuốn hút du khách trong và ngoài nước. Đó là vào tháng 7 âm lịch, nơi thường được du khách lựa chọn là rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên) và Búng Bình Thiên (huyện An Phú). Lúc này, nước ngập trong rừng tràm, du khách ngồi trên xuồng ba lá chèo chống len lỏi dưới những tán tràm để thăm thú cảnh quan.
Hệ sinh thái đất ngập nước ở đây rất phong phú, đặc biệt là nơi trú ngụ của những đàn chim lớn. Ngược ra Châu Đốc, qua cầu Cồn Tiên gần 50km là đến một hồ nước trời mênh mông. Đó là Búng Bình Thiên có làng Chăm bao quanh. Búng Bình Thiên là hồ nước tự nhiên, mùa khô mặt nước rộng khoảng 300 ha nhưng đến mùa lũ, diện tích mặt nước tăng hơn 3 lần. Cũng trong mùa nước nổi hằng năm, về với An Giang du khách còn có dịp xem Lễ hội đua bò Bảy Núi của người Kh’mer. Lễ hội này diễn ra vào dịp lễ Dolta xuất phát từ tục lệ những nhà có bò sẽ mang bò và cày đến đất nhà chùa để cày ải đất chuẩn bị cho mùa vụ mới. Sau này, đua bò trở thành lễ hội truyền thống của người Khmer và hiện nay là sản phẩm du lịch độc đáo ở An Giang.
Bên cạnh đó, tại huyện cù lao Chợ Mới của tỉnh An Giang, mô hình thương mại dịch vụ, phát triển du lịch miệt vườn sông nước được đẩy mạnh. Tại Chợ Mới có nhiều công trình kiến trúc xây dựng thời Pháp thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan như: Nhà thờ Cù Lao Giêng có niên đại trên 100 năm, chùa Thành Hoa ở ấp Tấn Lợi, chùa Cây Sọp ở ấp Tấn Phước; Có đình Tấn Mỹ là công trình kiến trúc nghệ thuật lịch sử cách mạng được Nhà nước công nhận. Ngoài ra, 3 xã cù lao Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân còn có nhiều vườn cây ăn trái sum suê và lưu giữ những ngôi nhà kiến trúc cổ xưa, rất thuận lợi để phát triển du lịch homestay.
Để phát triển hạ tầng, đáp ứng nhu cầu dịch vụ du lịch, Công ty Du lịch lữ hành Mekong đã xây bến đỗ tàu đón khách du lịch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan. Huyện Chợ Mới đang có kế hoạch mở rộng tuyến đường liên xã nối kết các điểm du lịch từ đình Tấn Mỹ đến chùa Thành Hoa, chọn điểm làm bến đỗ tàu đón khách đến tham quan; Tuyển chọn và đào tạo mạng lưới hướng dẫn viên du lịch huyện cũng như tiếp thị các làng nghề và trùng tu, nâng cấp các di tích lịch sử, phát triển phong trào đờn ca tài tử…
Ông Vương Bình Thạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, từ đầu năm đến nay tỉnh An Giang đón 2,728 triệu khách, tăng 6% so cùng kỳ. Cao nhất là tháng 3/2010 có đến trên 1,2 triệu du khách, trong đó khách lưu trú, lữ hành tăng 16,6% và khách quốc tế tăng 24,5% so cùng kỳ, đạt tổng doanh thu trên 70,22 tỷ đồng. Năm 2010, dự báo An Giang sẽ thu hút khoảng 4,9 triệu lượt du khách. Do đó, nhằm đảm bảo phục vụ tốt du khách đến với An Giang, trong thời gian tới tỉnh chủ động tổ chức các lớp tập huấn về lễ tân cho các DN kinh doanh du lịch, tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch tại khu dân cư, các cửa khẩu, hợp đồng liên kết với các tỉnh về sản xuất các sản phẩm đặc thù của từng địa phương để không trùng lắp. Riêng tỉnh An Giang sẽ phát triển mạnh cơ sở làng nghề mắm thái, đường thốt nốt, sản phẩm cá tra phồng, khô bò, dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm, Kh’mer... và ẩm thực miền sông nước
Bên cạnh phát huy tiềm năng du lịch nội địa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang còn chủ động liên kết với các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp và các tỉnh giáp ranh Takeo, Kandal, Shihanouk Ville, thủ đô Phnôm Pênh (Vương quốc Campuchia) để nối các tour tuyến du lịch. Tổ chức các tour xuôi dòng
Với nhiều tiềm năng và thế mạnh, An Giang đang đầu tư phát triển các điểm du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với An Giang ngày càng nhiều hơn.