Non nước Việt Nam

Nghề chạm khắc bạc – Nghệ thuật độc đáo của đồng bào Mông Lào Cai

Cập nhật: 14/05/2010 09:05:08
Số lần đọc: 4057
Trang sức bằng bạc được coi là một thứ đồ mỹ nghệ độc đáo của người Mông (Lào Cai) và chạm khắc bạc thủ công là một kỹ thuật điêu luyện bậc nhất của đồng bào nhằm tạo ra những thứ trang sức đạt đến độ tinh xảo và phục vụ cho đời sống tâm linh.

Tuy là một nghề có truyền thống lâu đời nhưng hiện nay số người biết sử dụng thành thạo kỹ thuật ấy vào chế tác trang sức bạc trong cộng đồng dân tộc Mông chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thào A Chư, 45 tuổi, thôn Cát Cát, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa là một trong số nghệ nhân hiếm hoi còn giữ được những kỹ năng bậc thầy về chạm khắc bạc.

 

Theo A Chư, vòng bạc của người Mông được chia ra hai loại chính: vòng trang sức và vòng tôn giáo. Vòng trang sức trang trí là loại vòng được đeo trong các dịp lễ hội, chơi xuân, đám hiếu hỉ, chơi chợ... trong đó tiêu biểu là vòng cổ với nhiều kích thước to nhỏ, nhiều họa tiết trang trí cầu kỳ dùng thành từng bộ. Vòng tôn giáo là loại vòng được đeo phục vụ việc thực hành các nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng hoặc được dùng làm vòng vía trừ tà ma, đau ốm.

 

Quy trình chế tác một sản phẩm bạc phải trải qua 5 công đoạn cơ bản. Đầu tiên là việc chuẩn bị dụng cụ chế tác bạc. Bộ dụng cụ phục vụ chế tác có 8 loại chính, gồm: bễ thổi, lò nung, nồi nấu bạc, khuân đúc, búa, kìm sắt, đe, bộ đục chạm hoa văn, mỗi loại có công năng sử dụng khác nhau. Nếu như dụng cụ chế tác của các dân tộc khác đều được mua sẵn thì với kỹ thuật chạm khắc bạc, người thợ Mông đều phải tự tay mình làm ra bởi những đặc thù riêng.

 

Công đoạn tiếp theo là chuẩn bị bạc phục vụ chế tác. Thông thường, khi một gia đình có nhu cầu chế tác đồ trang sức bằng bạc họ sẽ chủ động chuẩn bị nguyên liệu phù hợp với sản phẩm cần chế tác. Trong trường hợp người nhờ chạm khắc không có bạc thì có thể nhờ thợ chạm khắc bạc tư vấn và chọn giúp bạc cũng như một số hoạ tiết hoa văn trang trí phù hợp.

 

Công đoạn thứ ba là chuẩn bị bếp và nhóm lò nấu bạc. Lò dùng để nung chảy bạc thường được đắp bằng đất sét hoặc xếp bằng đá có chét đất ở các khe hở nhằm giữ nhiệt cho bếp. Do đặc trưng cấu tạo và hoạt động của lò, khi chuẩn bị nấu bạc, người thợ phải chuẩn bị than để nhóm bếp. Nguyên liệu dùng để nấu chảy bạc là loại than chắc, đượm lửa, giữ được nhiệt lâu, đó là những cây gỗ lâu năm trên rừng đã già và khô kiệt được người Mông đốt và mang về dự trữ để nhóm lò hoặc các loại gỗ nghiến, táu để đốt và lấy than. Sau khi bạc đã tan chảy hoàn toàn, người thợ sẽ quan sát xem nước bạc đã được chưa, nếu được người thợ sẽ dùng kìm cặp quai nồi nấu bạc đang nóng chảy trên bếp đổ vào khuân đúc tạo thành hình các thanh bạc trong lòng máng của các khuân đúc.

 

Công đoạn thứ 4 là chạm khắc hoa văn. Đây là công đoạn quan trọng, đòi hỏi sự tỷ mỷ, cẩn thận đến từng thao tác nhỏ nhằm tạo những sản phẩm bằng bạc có nhiều họa tiết hoa văn trang trí phong phú, đẹp mắt, tinh tế. Sau khi đã có phôi bạc, người thợ sẽ tiến hành khâu tạo dáng và chạm trổ hoa văn. Khi chạm hoa văn, các nghệ nhân phải dùng từng loại đục để chạm khắc hoa văn, khâu chạm khắc hoa văn đòi hỏi sự sáng tạo của người thợ.

 

Tiếp đến , bất cứ một sản phẩm nào khi hoàn thành quy trình chế tác cũng cần phải trải qua khâu đánh bóng cho đến khi bạc nổi màu trắng đặc trưng, tạo vẻ đẹp và sự hấp dẫn cho sản phẩm bạc. 

 

Nghề chế tác bạc của đồng bào Mông không chỉ góp phần tạo ra các sản phẩm trang sức tinh tế mà còn góp phần làm phong phú hơn những tinh hoa của đồng bào.

Nguồn: Báo Đất Việt

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT