Làng nghề sơn mài Cát Đằng – Nam Định
Theo sử sách ghi lại, nghề sơn mài làng Cát Đằng có từ khoảng thể kỷ 11, do hai ông tên là Ngô Dũng và Đinh Ba (từng làm quan trong triều thời vua Đinh) đến làng ở và truyền dạy nghề cho trai tráng trong làng. Ngày giỗ ông Tổ nghề được tổ chức linh đình vào rằm tháng giêng hàng năm.
Làng nghề sơn mài Cát Đằng trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng nghề sơn mài ở đây vẫn được gìn giữ và ngày một phát triển. Trước đây, người ta vẫn thấy hàng sơn mài chỉ được làm trên những tấm gỗ đã được chọn lựa rất kỹ, thì nay, người Cát Đằng đã sáng tạo thêm những sản phẩm từ việc chắp nứa rồi đem sơn mài. So với gỗ, loại mặt hàng này vừa nhẹ, giá rẻ hơn, chất lượng đảm bảo, thu hút được nhiều khách hàng và chủ yếu để xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Tất nhiên, để có được sản phẩm chắp nứa sơn mài sớm "nổi danh" như thế cũng không phải đơn giản. Ngay từ việc chọn mua nứa, người thợ cũng phải chọn những cây nứa bánh tẻ, không quá non cũng không quá già. Khi đem về phải mang ngâm dưới nước ít nhất là 6 tháng để sản phẩm sau này không bị mối mọt, có độ bền lâu. Sau đó, đến khâu pha nứa, pha nan, vót và đánh bóng nan rồi người ta để nghiêng nan cẩn thận uốn chặt theo hình khuôn, rồi quết một lớp keo được pha chế bằng tạp chất sao cho không còn kẽ hở giữa các vòng nứa rồi mới đem mài miết đến khi sản phẩm nhẵn bóng và đạt được độ mỏng cần thiết mới thôi. Trước đây, riêng khâu mài phải làm bằng thủ công, thường mất ít nhất 3 tháng mới xong một sản phẩm như bình hoa, chậu cảnh, còn bây giờ đã có máy móc hiện đại, nên chi mất vài ba ngày hoặc một tuần là xong. Đặc biệt không được dùng nan cật, vì sản phẩm sẽ không đảm bảo độ bền, dẻo vốn có. Đến đây coi như khâu sơ chế thô đã hoàn thành. Những sản phẩm ấy tiếp tục được chuyển đến tay các nghệ nhân trang trí thêm đủ kiểu hoa văn cách điệu, pha màu rồi phun sơn thật đều lên sản phẩm. Theo như nhiều nghệ nhân trong làng, thì khâu pha chế và phun sơn là khó nhất. Bí quyết của làng nghề cũng được giữ kín ở đây, nếu không phải là trai làng thì không được truyền dạy. Đã có nhiều người ở nơi khác đến Cát Đằng học nghề nhưng họ vẫn không thể biết bí quyết pha trộn sơn, hay sản phẩm vừa được phun sơn bỗng gặp trời mưa thì phải xử lý thế nào để sơn không bị bay mất màu, đành phải chờ nắng rồi đem sơn lại, còn người Cát Đằng lại có thể giữ nguyên màu sơn ở bất cứ thời điểm hay hoàn cảnh nào. Nhiều nghệ nhân của làng đã ra các tỉnh ngoài để làm và mở các lớp dạy nghề sơn mài ở khắp nơi. Dù đi đâu, họ cũng sớm khẳng định sự tài hoa, khéo léo của nghệ nhân Cát Đằng.