Non nước Việt Nam

Tục ''kéo vợ'' ở Mồ Sì San (Lai Châu)

Cập nhật: 21/05/2010 08:54:19
Số lần đọc: 2166
Theo các già bản ở Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu kể lại rằng: Xưa, theo phong tục của người Dao Đỏ, nhà gái thách cưới gồm 70 đồng bạc trắng, 2 con lợn, 20 vò rượu và toàn bộ phí tổn tổ chức đám cưới nhà hai họ. Phong tục này đã ngăn cản những chàng trai nghèo có được hạnh phúc cho mình. Và tục kéo vợ ra đời chẳng ai biết từ khi nào, đó là một hình thức “lách luật”  thách cưới để những chàng trai nghèo có thể đến được với hạnh phúc và xây dựng gia đình.

"Kéo vợ" không phải cứ thấy cô nào xinh xắn, giỏi giang, muốn lấy làm vợ thì kéo về nhà mình, mà thực tế đôi nam nữ đã tìm hiểu nhau rất cặn kẽ và đã ưng nhau. Cho nên kéo vợ chỉ là cái tục phải có để người con gái chính thức bước chân về nhà chồng. Sau khi kéo cô gái về nhà, ba ngày sau chàng trai chỉ việc sang nhà gái thông báo họ đã thành vợ chồng. Cho đến khi con đàn, cháu đống, của cải dư thừa họ mới tổ chức đám cưới. Chính vì vậy mà ở Mồ Sì San bây giờ có những cặp vợ chồng đã ngoài 70 tuổi nhưng "kéo" vợ từ thủa đôi mươi, nay mới tổ chức đám cưới.

Người Dao Đỏ ở Mồ Sì San thường kéo vợ vào bốn ngày kiêng kỵ trong mùa xuân là: kiêng hổ, kiêng chim, kiêng sét, và kiêng gió. Họ cho rằng vào những ngày này, nếu lên nương hoặc đi rừng sẽ bị hổ, sét, gió làm cho thiệt hại và chim làm mất mùa. Vào ngày kiêng hổ khi sương mù còn đặc quánh trùm lên bản làng Mồ Sì San đã thấy rộn ràng trai gái hẹn hò nhau chuẩn bị cho ngày kéo vợ đông vui nhất. Khắp nơi đã dặt dìu những đôi trai gái hẹn hò tâm tình rồi đến xế chiều chàng trai nhờ một vài người bạn nữa kéo cô gái về nhà mình. Quan niệm của họ, đám kéo nào càng nhiều bạn bè tham gia giúp, kéo càng quyết liệt, thì đôi vợ chồng đó càng hạnh phúc và sống lâu.

Ông Tẩn Kim Vần, một già bản ở Mồ Sì San cho biết: ngày nay các thanh niên trong bản có điều kiện kinh tế khá giả họ cũng không làm theo hình thức thách cưới như ngày xưa, mà họ đều đi kéo vợ. Chính vì thế, tục kéo vợ ở Mồ Sì San mang tính nhân văn độc đáo và là phong tục sinh hoạt truyền thống của người Dao Đỏ vùng Tây Bắc.
Nguồn: Website Đất Việt

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT