Lào Cai: Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống ở Bản Phố
Ngày nay, làng nghề Bản Phố như một khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề với hai nghề chính: nghề nấu rượu ngô phát triển với quy mô lớn và nghề đúc rèn.
Trong đề án bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa huyện Bắc Hà, giai đoạn 2006 - 2010 nêu rõ việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống dân tộc Mông xã Bản Phố là trọng tâm và xây dựng các chương trình, dự án đầu tư phát triển gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Trong đề án phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề Bản Phố cũng được ưu tiên đầu tư phát triển.
Làng nghề đúc rèn lưỡi cày đi lên trong thời kỳ cơ giới hóa nông nghiệp - nông thôn
Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Bản Phố, đến thời điểm này (27/4/2010), toàn xã có 17 lò đúc rèn, tăng 2 lò so với năm 2009, đã giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho 17 gia đình với mức trung bình 45 triệu đồng/năm. Năm 2009, các lò rèn đúc đã xuất ra thị trường trên 6.000 lưỡi cày, lãi trên 350 triệu đồng, tạo thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho các chủ lò đúc, rèn lưỡi cày. Lưỡi cày do Bản Phố đúc, rèn ra đã có mặt khắp các thôn, bản vùng cao Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái.., là nông cụ quý giá giúp bà con nông dân cày nương, ruộng, trồng ngô, lúa, đậu tương...
Phát triển làng nghề truyền thống không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào mà còn góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mông ở Bản Phố.