Đông Triều (Quảng Ninh) - Vùng đất giàu tiềm năng du lịch
Ở đây có một hệ thống núi đá vôi nhấp nhô trùng điệp muôn hình muôn vẻ trên biển lúa, từng được ví như một "Hạ Long cạn". Đó là một hệ thống gồm có 5 di tích có quan hệ mật thiết với nhau, gắn với những câu chuyện cổ tích, những truyền thuyết dân gian đặc trưng của nền văn hoá lúa nước, như núi Đống Thóc (sự phồn thịnh). đây là núi đất duy nhất trong khu vực này. Bên cạnh đó, có núi Thung (cối giã gạo), núi Canh (cái cày) và bên cạnh núi Con Chuột (phá thóc) là núi Con Mèo nằm canh đống thóc v.v... Không những thế, cụm di tích này còn gắn với sự kiện chiến thắng Bạch Đằng, nơi vua Trần Nhân Tông đã chọn để chỉ huy tầm xa chiến trận Bạch Đằng lần thứ 2 (1288). Trong kháng chiến chống Pháp, đây cũng là nơi được mệnh danh là "chiến luỹ đá" của du kích Đông Triều.
Ở phía Tây Bắc huyện, nằm trong lòng vòng cung Đông Triều còn có hệ thống các hồ nước, như hồ Trại Nứa, Trại Lốc, Khe Chè ở xã An Sinh, hồ Bến Châu ở xã Bình Khê. Đây là những công trình thuỷ lợi lớn của Đông Triều được thi công bằng sức lao động của nhân dân các dân tộc trong huyện vào những năm 80 của thế kỷ trước để tạo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trên dãy núi trùng điệp với rừng thông vi vu, những thác nước thiên nhiên kỳ thú vẫn còn rải rác những cổ vật, am tháp từ ngàn đời xưa để lại. Tiêu biểu là chùa Hồ Thiên nằm ở sườn núi Phật Sơn thuộc dãy núi Yên Tử ở địa phận xã Bình Khê. Văn bia trùng tu chùa có niên đại Vĩnh Hựu thứ 2, triều Lê (Lê Ý Tông - 1736) còn lưu giữ tại đây có ghi: "Chỉ có nhà Trần xưa vốn tôn sùng đạo Phật, từng mở núi san nền nơi đây, xây tam cấp, dựng bảo tháp năm tầng. Hệt như phép màu cất cánh bay lên, rõ ràng vẻ đẹp hùng vĩ. Trải bao sương gió, nền móng vững bền mà biếc vàng lộng lẫy". Bên cạnh đó, chùa Ngọa Vân nằm trên núi Bảo Đài. Theo sử sách và các nghiên cứu gần đây, chùa Ngọa Vân được xây dựng vào thời Trần, là một trong những công trình nằm trong hệ thống di tích Yên Tử. Nơi đây, năm 1308, Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đã nhập cõi niết bàn. Hiện còn có lăng mộ của ngài được xây dựng từ thời Trần, đó là một minh chứng quan trọng cho cuộc đời tu hành tích cực của sư tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Để tạo thuận lợi cho du khách trong việc tham quan và khai thác tốt hơn hiệu quả du lịch tại khu vực này, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ TKV đã được UBND tỉnh đồng ý cho nghiên cứu quy hoạch, đầu tư xây dựng tuyến cáp treo tại cụm di tích lịch sử văn hoá Ngọa Vân - Hồ Thiên với phương án đề xuất đầu tư 3 tuyến cáp treo gồm: Phủ Am Trà - Chùa Ngọa Vân, Đá Chồng - Nước Vàng, Nước Bạc, Bãi Bằng - Chùa Hồ Thiên hiện đại nhất Việt Nam.
Đền An Biên ở xã Thuỷ An, quê hương nữ tướng Lê Chân, thời Trưng Vương ở năm 40 đầu công nguyên. Lê Chân là nhà quân sự đầu tiên thực hiện phương châm "vừa đánh giặc, vừa sản xuất", mà các triều đại sau này của nước ta đã kế thừa và phát triển một cách hiệu quả. Cũng ở xã Thuỷ An, có Miếu Hậu là một di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh, chùa Ngọc Thanh gắn với những truyền thuyết về giá trị lịch sử của thời Trần cùng nhiều di tích lịch sử - văn hoá khác. ở Đông Triều, mỗi di tích đều mang theo một truyền thuyết dân gian, một sắc thái văn hoá độc đáo. Đó là sự kết hợp giữa tín ngưỡng dân gian và Phật giáo, sự hội nhập giữa Phật, Nho và Đạo... Nếu được phát huy hết tiềm năng, có thể thấy trong tương lai gần, cùng với khu di tích Yên Tử ở TX Uông Bí thì Đông Triều sẽ lại là một trọng điểm du lịch của tỉnh, có sự kết hợp giữa lịch sử, văn hóa tâm linh - sinh thái cùng với du lịch làng nghề truyền thống. Đặc biệt, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa tâm linh là hai hướng phát triển chủ đạo mà chiến lược phát triển của ngành Du lịch Việt Nam đã xác định trong những năm tiếp theo. Điều này không chỉ có ý nghĩa thiết thực với việc bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử văn hóa tương xứng với vị thế của nó, là động lực thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội của Đông Triều.
Thiết nghĩ, việc huy động, kêu gọi các nguồn vốn đầu tư vào du lịch của Đông Triều không phải là bài toán khó. Vấn đề hiện nay chính là cần sớm hoàn thiện đề án quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử nhà Trần và đề án mở rộng, phát triển khu di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử. Mặt khác, lễ hội ở Đông Triều, mà trọng tâm là các lễ hội ở các di tích nhà Trần, cũng cần phải có một tầm cao mới, đúng với giá trị văn hoá đã có trong lịch sử. Đặc biệt là ở những ngôi chùa được khởi dựng cùng trong số 800 ngôi chùa vào thời kỳ Thiền sư Pháp Loa, tổ thứ 2 Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cần được phục dựng các lễ hội gắn với nó. Có như vậy, du lịch Đông Triều mới xây dựng được thương hiệu riêng. Đó là du lịch sinh thái - văn hoá tâm linh và du lịch làng nghề.