Hoạt động của ngành

Sầm Sơn (Thanh Hóa) chuẩn bị cho mùa du lịch

Cập nhật: 18/05/2010 09:05:21
Số lần đọc: 3715
Năm 1906, người Pháp khẳng định “Sầm Sơn là địa danh nghỉ dưỡng lý tưởng nhất Đông Dương” dựa trên một số tiều chí về: độ thoải dốc của bờ biển, độ mặn của nước và độ mạnh của sóng. Cũng từ đó đến nay Sầm Sơn vẫn được xem là bãi tắm biển nổi tiếng nhất nước.

Sầm Sơn cách TP. Thanh Hoá khoảng 15km về phía Đông và cách Hà Nội khoảng 170km về phía Nam với 6km bờ biển chạy dài từ chân núi Trường Lệ ra cửa Hới. Ngoài bãi tắm lý tưởng, Sầm Sơn còn có nhiều danh thắng nổi tiếng gắn với sắc màu huyền thoại. Đó là dãy núi Trường Lệ trải dài mép biển gắn với truyền thuyết thiếu nữ hóa thân để che gió bão cho dân làng; hòn Trống Mái lãng mạn được sinh ra từ mối tình của đôi vợ chồng trẻ; đền Độc Cước cổ kính linh thiêng nơi thờ vị thần một chân, đền Cô Tiên được xây dựng cuối đời Lê (thế kỷ 17)... Cách núi Trường Lệ khoảng 4km về phía Bắc là khu sinh thái Quảng Cư, nơi đây du khách có thể thưởng thức nhiều món ẩm thực đặc trưng vùng biển và nghỉ lại lều, chõng dưới rừng phi lao xanh tốt và có thể câu cá, bắt tôm tại các đầm hồ…

 

Từ năm 2006 trở lại đây, thị xã du lịch Sầm Sơn không ngừng chỉnh trang đô thị, tôn tạo lại một số di tích danh thắng lịch sử văn hóa, đẩy mạnh bảo vệ an ninh, trật tự, nâng cao văn hoá ứng xử vì vậy đã thu hút hàng ngàn lượt khách mỗi ngày.

 

Năm nay, Chủ tịch UBND thị xã Vũ Đình Quế cho biết: Sầm Sơn chuẩn bị đón khách sớm hơn các năm trước và xây dựng mục tiêu: tiếp tục nâng cao chất lượng du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, phấn đấu đón gần hai triệu lượt khách (tăng 16% so với cùng kỳ năm 2009). UBND thị xã Sầm Sơn đã thực hiện phân cấp quản lý du lịch, dịch vụ theo hướng chuyên môn hóa thông qua các doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp và nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, tăng cường sự phối hợp kiểm tra, xử lý các vi phạm trong kinh doanh dịch vụ du lịch. Để triển khai việc này, UBND thị xã đã chủ động phối hợp với các ban, ngành tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản: Tăng cường công tác chỉnh trang đô thị, nâng cấp phòng nghỉ, khắc phục ô nhiễm môi trường và tăng cường công tác kiểm tra an ninh, trật tự các hoạt động kinh doanh: xích lô, máy ảnh, bán hàng rong, dịch vụ gửi xe và kinh doanh ở bãi biển và trên núi Trường Lệ. Mặt khác UBND thị xã đã chỉ đạo các cơ sở lưu trú, kinh doanh phải niêm yết công khai giá cả; giao cho Trung tâm y tế dự phòng chủ trì trong việc kiểm tra các nhà nghỉ, khách sạn thực hiện tốt việc chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; Công ty Môi trường đô thị và Dịch vụ du lịch thị xã làm tốt công tác vệ sinh môi trường; tổ chức tốt lực lượng cấp cứu biển; thành lập các tổ an ninh để đảm bảo trật tự, an ninh tại các điểm đông du khách như các bãi tắm A, B, C, D và trên khu vực núi Trường Lệ, khu sinh thái Quảng Cư. Phối hợp với Sở VHTTDL và các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục mở các lớp tập huấn cho người tham gia kinh doanh, người làm công tác quản lý, hướng dẫn viên du lịch và BQL di tích các xã, phường, các đối tượng xích lô, thợ ảnh, các kiến thức về văn hoá ứng xử trong kinh doanh, ý thức trong bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch; hiểu biết về lịch sử văn hoá của các di tích... Tăng cường công tác truyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Sầm Sơn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp tổ chức tốt các sự kiện như: lễ hội văn hóa, thể thao các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, lễ hội ẩm thực, thi nghiệp vụ du lịch và các lễ hội truyền thống khác của địa phương như: lễ hội Bánh chưng, bánh dầy, lễ hội Bơi chải... Mở rộng không gian du lịch, khai thác có hiệu quả sản phẩm du lịch truyền thống và khai thác các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, du lịch văn hóa tâm linh và tổ chức các tuyến du lịch thành Nhà Hồ - suối cá cẩm Lương - Bến En - Lam Kinh - Hàm Rồng…

Nguồn: Báo Du lịch

Cùng chuyên mục