Nhìn ra thế giới

Đan Mạch - Đất nước của những di sản

Cập nhật: 19/05/2010 17:05:56
Số lần đọc: 3463
Không chỉ nổi tiếng thế giới trong các lĩnh vực Âm nhạc và văn học với các thể loại nhạc cổ điển: Jazz, Pop, Rock cùng những tên tuổi văn học lừng lẫy như: Hans Christian Andersen, Karen Blixen, Peter Hoeg… mà Đan Mạch còn nổi tiếng là đất nước của các di sản thế giới.

Khi nhắc đến các di sản thế giới tại Đan Mạch, người ta nghĩ ngay đến Bia đá Jelling, gồm 2 tấm đá khắc chữ rune nằm ở sân nhà thờ Jelling. Các chữ rune khắc trên các tấm bia này rất quan trọng về mặt lịch sử, bia đá lớn có khắc chữ rune do vua Harald dựng lên ở Jelling từ khoảng năm 965 và được xem là giấy khai sinh đất nước Đan Mạch. Nó được đặt ở khoảng giữa hai quả đồi ở Jelling và chữ rune khắc trên nó cũng rất đặc biệt, vì các chữ rune được khắc hàng ngang, trong khi các tấm bia khác chữ rune đều khắc theo hàng dọc.


Bia đá nhỏ khắc chữ rune do cha của vua Harald là Gorm dựng ở gần Biale đá lớn vào khoảng năm 955. Ngày nay, tấm Bia đá nhỏ được đặt gần tấm Bia đá lớn nhưng không ai biết vị trí ban đầu của nó ở đâu bởi trong thế kỉ 17, nó được đặt bên cửa nhà thờ Jelling. Trong kỳ họp thứ 18 của mình vào năm 1994, Bia đá Jelling đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới cùng với nhà thờ Jelling và 2 nấm mộ cổ đắp cao.


Nằm ở thành phố Helsingor, lâu đài Kronborg là lâu đài có vị trí rất quan trọng ở Bắc Âu. Lâu đài nằm tại mỏm cực Đông của đảo Zealand, nơi hẹp nhất eo biển Oresund chỉ rộng khoảng 4km. Trước kia, nó là một pháo đài có tên gọi Krogen với một số nhà và tường bao quanh, được xây dựng trong thập niên 1420 theo lệnh của vua Eric. Đến thập niên 1570, vua Frederick II cho xây dựng lại thành lâu đài và nổi tiếng khắp châu Âu về kích thước và hình dáng.


Tuy nhiên, trận hỏa hoạn vào năm 1629 phần lớn tòa lâu đài bị thiêu hủy chỉ còn lại ngôi nhà nguyện. Dù sau này vua Christian IV đã khôi phục được hình dáng vốn tráng lệ bên ngoài của nó nhưng các phần bên trong không bao giờ phục hồi được như xưa. Bên cạnh đó, chiến tranh Thụy Điển – Đan Mạch cũng làm cho lâu đài mất đi nhiều bức tượng và tranh quý hiếm, trong đó có bức trướng che phía trên bàn ghế của vua Frederick II. Từ năm 1739 đến giữa thế kỷ 19, Kronborg được dùng làm nhà tù nhốt tù nhân, sau đó là nơi giam hoàng hậu Caroline Mathilde.


Ngày nay, lâu đài Kronborg là điểm du lịch nổi tiếng của Đan Mạch với 200.000 người tới thăm mỗi năm. Lâu đài kronborg được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới ngày 30/11/2000.


Trên đảo Zealand còn có một công trình kiến trúc khác cũng là nơi thu hút rất nhiều du khách đến thăm mỗi năm. Đó là nhà thờ chính tòa Roskilde nằm ở thành phố Roskilde – tân thủ đô của Đan Mạch dưới thời vua Harald. Nhà thờ được xây dựng trong thế kỷ 12 và 13 vừa theo kiến trúc Gothic vừa theo kiến trúc Roman và là nhà thờ được xây dựng bằng gạch đầu tiên ở Bắc Âu.

Đây là nơi an táng cho nhiều vua chúa của Đan Mạch từ thế kỷ 15 trong các nhà nguyện được xây nối vào nhà thờ. Khoảng năm 991, Roskilde là trụ sở của giám mục giáo phận Roskilde gồm đảo Zealand, vùng Scania (Thụy Điển), các đảo phía nam Đan Mạch và đảo Rugen bên ngoài bờ biển Đức. Nhà thờ có 2 cột tháp, một tu viện 3 mặt bằng đá được xây nối vào nhà thờ ở cạnh phía Bắc. Lúc đầu nhà thờ được em gái vua Knud là  Estrid tặng tiền xây bằng đá ong trên nền một nhà thờ nhỏ bằng gỗ và hoàn tất vào năm 1080. Sau này được giám mục Absalon xây dựng lại bằng gạch đỏ và được Peder Sunesen, người kế vị Absalon mở rộng vào năm 1200 theo mẫu nhà thờ chính tòa Tournai (Bỉ).


Cùng với tu viện Soro, nhà thờ chính tòa Roskilde là nguyên mẫu cho nhiều tu viện, nhà thờ, nhà thờ chính tòa và các tòa nhà công cộng khác được xây dựng bằng gạch đỏ. Nhà thờ chính tòa Roskilde được mở rộng tốn khoảng 3 triệu viên gạch và có chiều cao gấp đôi nhà thờ cũ. Tuy nhiên, trận hỏa hoạn năm 1443 đã làm hư hại phần lớn nhà thờ được xây dựng lại sau đó 21 năm. Nhà thờ chính tòa Roskilde được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới từ năm 1995.

Là một vịnh hẹp đầy băng nằm gần thành phố Ilulissat, đảo Greenland, vịnh băng Ilulissat được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới năm 2004 tại khóa họp thứ 28. Vịnh Ilulissat dài 40km, rộng 7km, chỗ sâu nhất 1200m. Ở đầu vịnh là dải sông băng lục địa Ilulissat Isbrae, mép dải sông băng này luôn luôn có những khối băng lớn vỡ ra. Các núi băng lớn này có đường kính vài trăm mét và cao tới 1000m và chổ cao nhất trồi trên mặt nước là 150m. Đây thật sự là thiên đường cho những du khách muốn khám phá vẻ đẹp của băng.


Đan Mạch – đất nước của những giang sơn gấm vóc, có nền văn hóa cao, là tổng hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người.

Nguồn: Tạp chí Du lịch & Giải trí

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT