Hoạt động của ngành

Vĩnh Phúc: Khai thác tiềm năng du lịch khu di chỉ lịch sử văn hoá Đồng Đậu- Biện Sơn

Cập nhật: 24/05/2010 09:05:58
Số lần đọc: 2142
Vĩnh Phúc đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực khu di chỉ lịch sử văn hóa Đồng Đậu - Biện Sơn và làng văn hóa Vĩnh Đông, thuộc huyện Yên Lạc nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, đồng thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế của người dân địa phương. Tuyến đường kết cấu bê tông đi vào khu di chỉ lịch sử văn hoá này mới triển khai xây dựng dài hơn 740m, mức đầu tư là 7,7 tỷ đồng, dự kiến tháng 10 năm 2010, công trình sẽ hoàn thành.

Khu di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu - Biện Sơn phân bố trên khu vực thuộc thôn Đông Hai, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Di chỉ rộng khoảng 85.000m², được phát hiện tháng 2/1962 và đã qua 6 lần khai quật từ năm 1965 đến năm 1969 và các năm 1984, 1987, 1999. Diện tích của 6 lần khai quật là 758m². Phần lớn Gò Đồng Đậu hiện nay còn khá nguyên vẹn chưa được khai quật. Đây là di chỉ khảo cổ học được bảo vệ tốt nhất ở miền Bắc nước ta từ trước đến ngày nay. Mặc dù diện tích khai quật còn ít so với toàn bộ diện tích Gò nhưng với số lượng và loại hình hiện vật phong phú của 6 lần khai quật đã đủ để khẳng định gò Đồng Đậu là di chỉ khảo cổ học quan trọng bậc nhất về thời đại kim khí ở nước ta. Di chỉ này phân bố trên tầng văn hoá dày, bao gồm 4 lớp là: Lớp dưới cùng thuộc văn hoá Phùng Nguyên, lớp giữa thuộc văn hoá Đồng Đậu và lớp trên thuộc văn hoá Gò Mun.

Lớp trên cùng đã tìm thấy nhiều loại hình công cụ văn hóa Đông Sơn, theo các nhà nghiên cứu di chỉ Gò Đồng Đậu là tiêu biểu cho diễn trình phát triển của bốn giai đoạn văn hóa kế tiếp nhau liên tục thời các Vua Hùng. Khai quật Đồng Đậu người ta đã thu được nhiều loại hình di vật rất phong phú với hàng vạn mảnh gốm thuộc các giai đoạn văn hóa khác nhau. Nhiều công cụ sản xuất, vũ khí, đồ trang sức bằng đá, xương, sừng và bằng đồng; nhiều xương răng cá và thú vật; nhiều tượng tròn hình động vật: Trâu, bò, chim, gà nặn bằng đất nung và nhiều hạt lúa gạo cháy từ lớp văn hoá Phùng Nguyên. Điều này chứng tỏ nghề trồng lúa nước và chăn nuôi ở đây đã có rất sớm từ buổi đầu dựng nước của các Vua Hùng. Đặc biệt là trong lần khai quật thứ sáu (năm 1999) cho thấy ở đây vừa là nơi cu trú, vừa là khu mộ táng.Trong một hố thám sát nhỏ, ở lớp văn hóa Phùng Nguyên đã phát hiện một huyệt mộ, trong có một bộ xương người còn bảo tồn tương đối tốt. Người chết được táng ở tư thế nằm ngửa, mặt nghiêng sang trái, tay phải đeo chiếc vòng đá to (vòng đá Phùng Nguyên) khá điển hình. Đây là bộ di cốt người thời văn hoá Phùng Nguyên còn khá nguyên vẹn tìm thấy đầu tiên ở nước ta, giúp các nhà khảo cổ học- nhân chủng có điều kiện nghiên cứu về nhân chủng, tập quán tín ngưỡng, nghề nghiệp… của cư dân giai đoạn này.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục