Hương vị táo mèo Sơn Tra, Sơn La
Sơn Tra tiếng dân tộc Mông gọi là Tu Di và tên gọi thông dụng là "Táo Mèo". Cây Sơn Tra mọc tự nhiên, xen lẫn cây rừng bao đời nay trên những dãy núi cao 1500 –2000 m. Khắp vùng cao Bắc Yên, từ Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, đâu đâu cũng thấy cây Sơn Tra. Qua những cánh rừng màu én bạc của lá qua ánh xiên của buổi chiều tà có thể nhận ra cây Sơn Tra. Mùa Sơn Tra ra hoa, màu hoa trắng thấp thoáng giữa khu rừng trên các dãy núi cao. Khi Sơn Tra vào mùa chín bà con dân tộc Mông thu hái, gùi xuống chợ huyện.
Qua nghiên cứu, khảo sát huyện Bắc Yên có khoảng 2500 ha rừng có cây Sơn Tra cho sản lượng hàng năm đạt trung bình gần 100 tấn quả. Quả Sơn Tra có mùi thơm đặc trưng, vị chua dôn dốt, chát ngọt ngâm làm nước giải khát hoặc chế biến làm rượu vang, mứt, ô mai...Đặc biệt Sơn Tra còn là một vị thảo dược để chữa huyết áp cao, mất ngủ, tiểu đường vv...Những năm trước đây quả Sơn Tra chỉ được biết đến như loại quả sản phẩm của núi rừng giá trị thu không đáng kể. Để tìm hướng ra cho một cây có lợi thế với vùng cao Bắc Yên, năm 1998 với sự giúp đỡ của Sở khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh Sơn La và Viện Chế tạo Máy Nông nghiệp, Bắc Yên đã lắp đặt xưởng chế biến rượu vang Sơn Tra công suất 6.000 lít/năm và thử nghiệm thành công Đề tài: “ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rượu vang từ quả Sơn Tra" đạt tiêu chuẩn, được thị trường chấp nhận. Trên cơ sở của đề tài và khảo sát vùng nguyên liệu, huyện Bắc Yên và Sở khoa học công nghệ và Môi trường đã lựa chọn dây truyền sản xuất công nghệ sạch, tự lên men chiết xuất rượu vang với công xuất 100.000 lít/năm bằng mô hình chế biến quả tươi thành sản phẩm rượu vang và nước cốt quả.
Với tổng số vốn đầu tư là 550 triệu đồng và được sự giúp đỡ của UBND huyện Bắc Yên, Hợp tác xã Phúc Thịnh là đơn vị nhận chuyển giao dây chuyền sản xuất rượu vang Sơn Tra. Để mở rộng thị trường sản xuất sau 2 năm hoạt động, Hợp tác xã Phúc Thịnh đã ngâm ủ trên 10 tấn quả Sơn Tra và chế biến gần 15.000 lít rượu vang cung cấp trên thị trường. Để có thứ rượu vang chất lượng cao nguyên liệu táo phải lấy từ độ cao 1700 – 2000 m và tất cả các quy trình sản xuất phải được thực hiện nghiêm ngặt. Từ khâu xử lý nguyên liệu, thanh trùng, ướp chiết xuất nước cốt, lên men đến pha chế thành phẩm... phải mất 6 tháng. Đặc biệt công nghệ chế biến rượu vang này không sử dụng cồn, nhưng nồng độ vẫn đạt 120 do trong quá trình ngâm ủ tạo men. Như vậy để có rượu vang công nghệ sạch phải đưa vào xưởng những quả Sơn Tra của năm trước....
Với nồng độ nhẹ, hương vị thơm đặc biệt, vang Sơn Tra đã mau chóng được khách hàng ưa chuộng. Mùa xuân về, cùng với nhiều sản phẩm vang trong nước, vang Sơn Tra với quy trình sản xuất không dùng cồn, hương vị đặc trưng, xuất phát từ quê hương vợ chồng A Phủ đã được đưa ra rộng rãi trên thị trường, đến với mọi nhà trong dịp năm mới.