Non nước Việt Nam

Hủ tíu miền Tây

Cập nhật: 19/05/2010 10:05:37
Số lần đọc: 3200
Du khách đi về miền Tây mà không ghé Tiền Giang để tham quan, ngắm cảnh sông nước và thưởng thức những món ăn độc đáo của miền Tây là một điều thiệt thòi lớn.

Một trong những món ăn ngon được nhiều người ưa chuộng là món hủ tíu Mỹ Tho. Món ăn tuy cổ nhưng được người ăn “ái mộ”, càng ngày càng được nâng cấp và phát triển rộng, ngay cả ở thành phố Hồ Chí Minh, những quán hủ tíu muốn bán đắt thường nêu bản hiệu “Hủ tíu Mỹ Tho” để câu khách.

 

Tôi có người bạn du học nước ngoài, viết thơ về thường bảo nhớ da diết cái góc phố mà những chiều mưa lâm thâm bọn tôi thường ra đó để… ăn hủ tíu.

 

Vậy mới biết khi xa quê, một món ăn yêu thích cũng làm cho con người nhớ tiếc nao lòng. Thật vậy, vào buổi chiều, nhất là những chiều lây phây mưa, bụng đang đói cồn cào, không còn gì thú vị hơn là được đi ăn hủ tíu.

 

Góc phố bạn tôi nhắc tới là đường Hùng Vương - Lê Đại Hành của thành phố Mỹ Tho ngày trước. Ở góc phố đó có những tàn trứng cá dày mịt mà mưa, nắng khó lọt qua được, những dãy bàn nho nhỏ được người bán đặt rải rác cạnh gốc cây. Chúng tôi thường ngồi khuất sau gốc trứng cá, cạnh nồi nước lèo bốc khói nghi ngút. Nước lèo trong veo, thơm lừng mùi mực nướng, mùi tôm khô, mùi hành phi… Xương ống, giò heo và sườn non chặt miếng được hầm mềm rượi, những sợi hủ tíu nhỏ rứt như sợi bún có độ dai vừa phải, không quá dai như hủ tíu bột lọc, không quá bở như hủ tíu mềm của thành phố.

 

Khi khách gọi thì người bán mới bắt đầu trụng hủ tíu vào nước sôi cho đến độ mềm vừa phải thì trút ngay vào chiếc tô sứ đã được tráng nước sôi sạch sẽ. Người bán hàng tiếp tục bỏ vào: giá, hẹ, sườn non hoặc giò heo (nếu ai thích gặm xương ống thì gọi thêm), gan, bao tử, mực non nướng, củ cải trắng, củ cải đỏ, hành phi, hành lá xắt nhỏ, gốc hành lá, cải bắc thảo, tiêu, sau cùng tưới lên một vá nước lèo.

 

Hủ tíu phải ăn nóng và ăn liền sau khi nấu. Đang đói bụng mà nhìn thấy tô hủ tíu bốc khói đầy màu sắc gợi thèm: Giá trắng, hẹ xanh hoà với màu đỏ của củ cải, sườn và gan béo ngậy, mực và bao tử dòn dòn, sợi hủ tíu dai dai, mát mịn, người ăn tuỳ theo khẩu vị mà có thể thêm thắt gia vị như chanh ớt, tiêu, xì dầu… Có khi xin thêm rau, giá sống hay nước lèo, người bán vẫn vui vẻ bổ sung mà không tính thêm tiền, nếu ăn chưa no có thể gọi thêm sợi bánh.

 

Đó là cách ăn hủ tíu bình dân nhưng rất thoải mái và vừa miệng. Vừa ăn, vừa ngắm cảnh, ngắm người qua lại. Những ngày mưa, lượng khách đến ăn ít hơn thường lệ, quán vắng vẻ dễ chuyện trò, tâm sự. Người bán cũng dễ dãi với khách hơn, trao đổi thân mật với khách về chuyện làm ăn, chuyện gia đình, chuyện kinh tế…

 

Nếu muốn ngắm sông Tiền thì khách có thể vào những nhà hàng hay quán ăn sang trọng nằm dọc theo bờ sông. Ở đó, tô hủ tíu được bày biện kiểu cách hơn, được nâng cấp lên bởi những hải sản đắt tiền như tôm càng, mực tươi…

 

Ngồi trong nhà hàng Ấp Bắc hay nhà hàng Chương Dương nhìn ra sông Tiền, vừa ăn hủ tíu vừa ngắm cảnh bình minh lên trên dòng sông nước bạc, những chiếc ghe lườn ngược, xuôi của khách thương hồ, những chiếc tàu đầy ắp trái cây từ các nơi đổ về, người ăn càng muốn nán lại dăm ba phút sau khi lót lòng món hủ tíu cao cấp, ngon miệng.

 

Hủ tíu tuy là món ăn quen thuộc nhưng muốn nấu cho đúng hương vị không phải dễ. Mỗi nơi nấu một cách, mỗi quán nấu một vị riêng nhưng muốn nấu món ăn đi vào “lòng người” thì phải học hỏi mày mò nhiều. Hủ tíu có nhiều “biến tấu” với tên gọi khác nhau: Hủ tíu Nam Vang, hủ tíu bột lọc, hủ tíu khô, hủ tíu bò khô, hủ tíu xào, hủ tíu chay… Mỗi món mang hương vị khác nhau nhưng có lẽ hủ tíu Mỹ Tho là vừa miệng hơn cả.

 

Thưởng thức món ăn ngon phải có bạn hiền và có một chỗ ngồi độc đáo thì món ăn càng thêm hấp dẫn.

Nguồn: Website toquoc.gov.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT