Sóc Trăng đầu tư khai thác tiềm năng du lịch
Cụ thể, năm 2009 tổng lượng khách tới Sóc Trăng đạt 600.000 lượt người thì mới chỉ có gần 6.600 khách quốc tế.
Là tỉnh nằm cuối lưu vực sông Mê Kông, giáp tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu và biển Đông. Ngoài những đặc điểm chung như các tỉnh khác thuộc khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, Sóc Trăng còn có nhiều ưu thế riêng, thuận lợi cho phát triển du lịch như: là nơi hội tụ của nền văn hóa ba dân tộc Việt – Hoa - Khmer với những nét đa dạng và độc đáo, là xứ sở của lễ hội và du lịch văn hóa tâm linh, có hàng trăm ngôi chùa… Đặc biệt, có nhiều ngôi chùa nổi tiếng đã được du khách trong và ngoài nước biết tới như: Chùa Dơi, chùa Chén Kiểu, chùa Đất Sét, chùa Kh’Leang…
Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng để phục vụ cho ngành du lịch còn hạn chế. Sóc Trăng mới có 27 khách sạn với 712 phòng trong đó có 1 khách sạn 3 sao, 7 khách sạn 2 sao, 11 khách sạn 1 sao còn lại là các khách sạn đạt tiêu chuẩn và chưa xếp hạng. Các khách sạn ở Sóc Trăng có quy mô nhỏ, ít phòng, dịch vụ không đa dạng và thường chỉ sử dụng khoảng công suất. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng nhân viên ở các khách sạn, nhà hàng nhìn chung vẫn còn thấp, phong cách phục vụ chưa chuyên nghiệp.
Hoạt động lữ hành ở Sóc Trăng chưa mạnh, các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh chỉ chú trọng đưa khách trong tỉnh đi du lịch nơi khác, chưa quan tâm đưa khách về Sóc Trăng. Toàn tỉnh mới chỉ có 3 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành trong đó 1 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế. Các doanh nghiệp trong tỉnh chưa liên kết tour với các doanh nghiệp ngoài tỉnh, nhất là các doanh nghiệp trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.
Để khai thác tiềm năng du lịch của địa phương tốt hơn nữa, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của địa phương đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng đã có quy hoạch vùng du lịch sinh thái hạ lưu sông Hậu thuộc 2 huyện Kế Sách và Cù Lao Dung. Đầu năm 2010, UBND tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt kế hoạch và phương án kêu gọi đầu tư vào khu du lịch Song Phụng (huyện Long Phú) và Hồ Bể (huyện Vĩnh Châu).
Hiện, Dự án đầu tư đê bao và san lấp mặt bằng khu du lịch Song Phụng đã được đầu tư với tổng số vốn trên 13,7 tỷ đồng. Dự án đường dẫn vào khu du lịch Hồ Bể đã được UBND tỉnh phê duyệt và đang chờ cấp vốn để thực hiện. Dự kiến, khi hai khu du lịch này đi vào hoạt động sẽ tạo ra được nhiều việc làm cho lao động trong tỉnh, thúc đẩy hoạt động kinh tế trong khu vực phát triển nhanh, đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của khách du lịch khi tới với Sóc Trăng.