Quảng Trị: Hợp tác, liên kết để phát triển du lịch
Hành lang kinh tế Đông- Tây hơn 10 năm qua mở ra nhiều cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực cho các địa phương thành viên, trong đó hợp tác, liên kết phát triển du lịch đã đem lại những kết quả khả quan. Tại hội nghị lần này, nhiều quan chức, doanh nhân quan tâm đề cập đến việc đầu tư khai thác tiềm năng du lịch vốn rất dồi dào, phong phú của các địa phương nơi hành lang đi qua.
Hành lang kinh tế Đông- Tây có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Các tỉnh trên hành lang quyết tâm cùng nhau biến hành lang Đông- Tây trở thành hành lang kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ mang sắc thái độc đáo và hiệu quả. Đây là khu vực đa sắc tộc, có các nền văn hóa đa dạng, phong phú, có nhiều danh thắng, di tích lịch sử nổi tiếng được quốc tế công nhận.
Nếu như ở các nước phía tây công nghệ du lịch phát triển chóng mặt, nhất là Thái Lan thì ở Việt Nam, chương trình du lịch “Con đường di sản miền Trung” những năm qua đã tác động rất lớn đến quá trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch cho các tỉnh thành trong khu vực, thu hút được một lượng khách lớn từ nội địa và quốc tế, trong đó có làn sóng du khách đường bộ của các nước trong khu vực đến với các di sản của miền Trung Việt Nam.
Hiện tại Việt Nam- Lào- Thái Lan đã ký Hiệp định ba bên về phương tiện vận tải qua lại, trong đó các xe du lịch từ Việt Nam được phép chạy qua Lào, Thái Lan và ngược lại. Với sự phát triển về cơ sở hạ tầng trên lãnh thổ Việt Nam, Lào, đặc biệt là cây cầu Hữu nghị qua sông Mêkông, nối Mukđahan (Thái Lan) và Đensavanh (Lào) hoàn thành cuối năm 2006 đã tạo ra hành lang kinh tế, trong đó tuyến du lịch đường bộ phát triển mạnh những năm gần đây.
Việc hợp tác giữa các tỉnh Quảng Trị- Savanakhet- Mucđahan sẽ tạo ra một thị trường lớn bao gồm cộng đồng dân cư 3 nước và khách du lịch quốc tế đến với tour du lịch này. Việc khai thác có hiệu quả tuyến du lịch qua hành lang kinh tế Đông- Tây không những đáp ứng nhu cầu của khách du lịch mà còn góp phần tạo điều kiện cho việc phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, mang lại cơ hội kinh doanh cho người dân, lợi ích cho ngành du lịch của các địa phương trên tuyến hành lang, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương.
Tuy nhiên, nhiều quan chức các tỉnh trên hành lang cũng đã nêu lên hạn chế hiện nay là cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ của cácđịa phương nằm trên hành lang kinh tế Đông- Tây còn thấp, sản phẩm du lịch còn nghèo; công tác quảng bá còn hạn chế; các chương trình du lịch chưa chuyên nghiệp, thiếu hấp dẫn.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savanakhet chưa có trạm dừng chân đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các loại dịch vụ như tiếp nhiên liệu, khu nghỉ ngơi mua sắm, trung tâm sửa chữa, bảo hành xe, nhà hàng, khách sạn, bãi đỗ xe, chăm sóc sức khỏe, thông tin, y tế còn thiếu. Thủ tục xuất nhập cảnh chưa thống nhất về giờ làm việc ở các cửa khẩu của các nước, giải quyết thủ tục còn mất nhiều thời gian. Các doanh nghiệp du lịch lữ hành quốc tế của mỗi tỉnh chưa đủ mạnh để tổ chức liên doanh, liên kết rộng rãi; kinh nghiệm hoạt động, trình độ tổ chức cũng như chất lượng dịch vụ còn nhiều hạn chế.
Mặc dù có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng nhiều quan chức, doanh nhân các địa phương trên hành lang đều có cách nhìn chung là phải có sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương để phát triển bền vững. Trong đó có sự phối hợp để tuyên truyền, quảng bá, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển du lịch; đồng tâm chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch khai thác lợi thế tiềm năng du lịch của mỗi địa phương và toàn vùng, tiến tới xây dựng cộng đồng doanh nghiệp du lịch các địa phương trên hành lang để phát triển và hưởng lợi chung.
Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch ký kết các hợp đồng kinh tế nhằm phối hợp chặt chẽ với nhau trên các lĩnh vực lữ hành, lưu trú, vận chuyển, liên doanh, đầu tư các cơ sở vui chơi, giải trí. Liên kết các thành phố trên tuyến hành lang để tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, như lễ hội “Nhịp cầu xuyên Á” của Quảng Trị để thu hút khách du lịch. Đồng thời, cải cách hơn nữa thủ tục hải quan ở mỗi cặp cửa khẩu, giảm thiểu các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến các địa phương của mỗi nước.
Phát triển tuyến du lịch đường bộ, nhất là việc thực hiện Hiệp định GMS-CBTA để xe của nước này vào nước khác trên quãng đường quy định. Và điều kiện không thể thiếu là chú trọng quy hoạch giao thông, xây dựng hạ tầng du lịch, nâng cấp các tuyến, điểm du lịch quan trọng của mỗi tỉnh, nhất là các điểm dừng, các trạm nghỉ đảm bảo chất lượng trên dọc tuyến hành lang. Điều này qua khảo sát thì người Thái đã làm rất tốt trên lãnh thổ của mình.
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao.
Để phát triển du lịch một cách bền vững cần có sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương. Thực tế quá trình hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị, Savanakhet và Mukdahan về phát triển du lịch cho thấy cần thiết tiếp tục phối hợp chính sách, không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút được các doanh nghiệp tham gia đầu tư và thúc đẩy du lịch phát triển, góp phần tạo ra sự liên kết kinh tế giữa các địa phương để “cùng thắng” trong mục tiêu xây dựng khu vực thịnh vượng chung của các nước nằm trong tiểu vùng sông Mêkông trong tương lai gần.