Non nước Việt Nam

Ðền Chử Ðồng Tử và Lễ hội Kỳ Yên (Hưng Yên)

Cập nhật: 01/07/2010 10:30:50
Số lần đọc: 2282
Ðền Chử Ðồng Tử còn gọi là đền Ða Hòa, thuộc xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên, cách Hà Nội khoảng 20 km, xuôi theo dòng sông Hồng tới bãi Tự Nhiên, hoặc có thể đi theo đường bộ qua cầu Chương Dương rẽ phải, theo đường đê hơn 25km.

Du khách đến đây không chỉ đứng trên con đê sông Hồng thưởng ngoạn một vùng quê thanh bình với những lũy tre rợp bóng mát, ngắm nhìn những dải phù sa chạy tít tắp theo triền đê... mà còn để đắm mình trong chốn bồng lai tiên cảnh, dâng hương tưởng nhớ Ðức thánh Chử Ðồng Tử, một trong Tứ bất tử của thần linh Việt, cùng nhị vị phu nhân là Tiên Dung công chúa và nàng Tây Sa công chúa.

 

Ðức thánh Chử Ðồng Tử và Tiên Dung công chúa được thờ phụng ở các làng ven sông Hồng và sông Ðuống. Nhưng một trong những nơi thờ chính, nổi tiếng nhất là đền Ða Hòa, cạnh bờ sông Hồng trông thẳng ra bãi Tự Nhiên. Ðền Ða Hòa là một ngôi đền chính trong quần thể di tích lịch sử của vùng gắn với mối tình nên thơ giữa chàng trai đánh cá nghèo và nàng công chúa Tiên Dung lá ngọc cành vàng.

 

Tương truyền Chử Ðồng Tử sống cùng cha là Chử Cù Vân tại Chử Xá (huyện Văn Giang, Hưng Yên). Chẳng may nhà cháy, mất hết của cải, hai cha con chỉ còn lại một chiếc khố thay nhau mặc. Lúc người cha lâm chung, ông gọi con lại bảo rằng hãy giữ chiếc khố lại cho bản thân. Thương cha nên Chử Ðồng Tử liệm khố theo cha, còn mình chịu cảnh trên người không một mảnh vải, kiếm sống vào ban đêm, ban ngày dầm nửa người dưới nước đến gần thuyền bán cá hoặc xin ăn. Thời ấy, Vua Hùng Vương thứ ba có cô con gái tên là Tiên Dung đến tuổi cập kê mà vẫn thích ngao du sơn thủy, không chịu lấy chồng. Một hôm, thuyền rồng của công chúa đến thăm vùng đó. Như cơ duyên trời định, Tiên Dung cảm động trước cuộc đời khổ cực của Chử Ðồng Tử, rồi họ nên duyên vợ chồng.

 

Từ xưa cứ thành lệ, ba năm một lần, người dân Tổng Mễ (hai xã Bình Minh - Mễ Sở ngày nay) lại mở hội hàng tổng từ ngày 10-12 tháng 2 âm lịch, gọi là hội Kỳ Yên. Tại đây, người dân thập phương đã bao đời hương khói trong niềm tin tưởng cầu phúc, lộc, mùa màng tươi tốt cho mình và cho đất nước. Ðây không chỉ là một di tích lưu truyền và lan tỏa về một thiên tình sử ngàn năm mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp, mà còn có giá trị đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Nguyễn.

 

Ðền có kiến trúc quy mô lớn, mặt quay hướng chính tây, nằm trên một khu đất cao, rộng, bằng phẳng hình chữ nhật có diện tích 18.720m2. Tổng thể kiến trúc có 18 ngôi nhà mái ngói cổ, nếu đứng trên cao nhìn xuống ta sẽ thấy 18 nóc nhà như 18 con thuyền đang quần tụ dập dềnh trên biển lá. Ngọ môn gồm ba cửa chính là tòa nhà ba gian cao rộng, trên đỉnh nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt. Hai cửa bên để đón khách gần xa. Qua sân là tòa Ðại tế, tòa Thiên Hương, cung Ðệ Nhị, cung Ðệ Tam và Hậu cung.

 

Thu hút sự chú ý của du khách là ở các pho tượng, đặc biệt là các pho tượng Ðức thánh Chử Ðồng Tử và nhị vị phu nhân đặt ở Hậu cung. Các pho tượng được đúc bằng đồng, mặt tượng được sơn mầu da, kẻ mắt. Hiện nay, trong đền còn có ba pho tượng nữa đặt ở cung Ðệ Tam. Ðền còn bảo tồn được nhiều di vật quý hiếm, trong đó có đôi bách thọ ( một trăm chữ thọ không chữ nào giống chữ nào, khắc trên thành lọ bằng gốm), một cổ vật vô giá của dân tộc.

 

Toàn bộ kiến trúc của đền càng tôn thêm vẻ đẹp cổ kính, rêu phong với sông nước bao la, cổ thụ bốn mùa xanh tốt. Cây cối nơi đây cũng được chọn lọc để khẳng định sự bất tử của con người, toát lên qua mỗi lời, mỗi chữ của những bức hoành phi, câu đối của những tao nhân mặc khách mọi thời. Trải qua nhiều biến thiên dữ dội của thời gian, đền Ða Hòa bị hư hỏng khá nặng. Năm 2009, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phê duyệt dự án đại trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa đền Ða Hòa theo ba giai đoạn với tổng kinh phí dự toán hơn 26 tỷ đồng. Sau hơn một năm xây dựng, đã hoàn thành xong việc trùng tu tòa Thiên Hương, Ðệ Nhị, Ðệ Tam, Hậu Cung, Phương Ðình, Ðại Tế với tổng kinh phí 9 tỷ đồng.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT