Nhìn ra thế giới

Dạo chợ đêm Thái Lan

Cập nhật: 12/07/2010 10:50:12
Số lần đọc: 2737
Ai tới Thái Lan cũng không thể bỏ qua dịp lội chợ đêm vốn có ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Chợ đêm Thái Lan, với những hàng hóa bản địa và cách buôn bán, tiếp thị độc đáo của người Thái luôn làm du khách biết đi đâu, tiêu tiền vào đâu ở xứ sở Chùa Vàng này.

Mỗi tỉnh một sản phẩm đặc trưng

Nếu nhiều chợ đêm ở nhiều vùng miền của nước ta thường đi theo một mô-típ chung: bán hàng đá, mây tre, vải vóc, áo quần... và những vật phẩm lưu niệm nhập từ các địa phương khác hoặc từ Trung Quốc; thì các chợ đêm ở Thái cuốn hút người dạo chợ bằng sự trưng bày bắt mắt những vật phẩm thủ công đặc trưng của chính địa phương, do chính người đứng quầy làm ra.

Ở chợ đêm Chiang Mai, vùng đất nổi tiếng với những công trình chùa chiền cổ kính linh thiêng mà hầu hết những người theo đạo Phật đều mong muốn được một lần đặt chân đến, bán rất nhiều tượng Phật. Các tượng toàn thân, bán diện bằng gỗ hoặc hợp kim, thể hiện đủ tư thế nằm, ngồi, đứng của Phật Thích Ca có giá từ 100 baht (1 baht tương đương 650 đồng Việt Nam). Ngoài ra, các móc khóa nhỏ xinh mang hình tượng Đức Phật với giá rất mềm (khoảng 30 baht/cái) cũng rất được du khách ưa thích.

Nằm ở vùng núi miền Bắc, chợ đêm Chiang Rai lôi cuốn sự chú ý của người tham quan bởi màu sắc tươi tắn, rực rỡ và sự ngộ nghĩnh của những móc khóa búp bê mang trang phục của những cô sơn nữ duyên dáng. Một cô gái bán hàng da trắng muốt, khá xinh đẹp cho biết, tất cả các sản phẩm này đều do gia đình cô cũng như nhiều gia đình khác trong làng làm theo phương thức thủ công. Ngoài việc được bày bán ở chợ đêm, sản phẩm còn được bán tại chỗ cho khách du lịch đến tận làng tham quan, mua sắm.

Người Thái dường như luôn biết cách “rút ruột” hầu bao của du khách bằng cách “chế” ra những sản phẩm lưu niệm phong phú, giá thấp, gọn nhẹ, dễ đóng gói và vận chuyển mà khi nhìn vào, người ta vẫn có thể đoán ngay đây là đồ “made in Thailand”. Du khách không thể nào bỏ qua những chiếc túi bố nhỏ đựng lúa, đựng các loại quả biểu trưng cho nền nông nghiệp Thái với dòng chữ Thailand, Chiang Mai... ngoài bao bì; bộ áo quần trẻ con thêu hình chú voi; những chiếc quần sooc đủ màu sắc... với giá khoảng 45 baht/món.

Không thu hút du khách bằng đồ thủ công mỹ nghệ, chợ đêm Mukdahan – thành phố bên sông, điểm dừng chân đầu tiên của các đoàn khách từ Việt Nam sang sau khi “băng” qua Savannakhet của Lào – níu chân người ta bằng các món nướng thơm lừng lựng. Heo, bò, cả những con bọ cánh cứng cũng được người Thái đưa lên bàn nướng theo từng xiên rất bắt mắt. Một “đặc sản” khác của khu chợ này là... tiếng Việt. Khách Việt không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra khoảng 70% người bán là dân Thái gốc Việt, nói tiếng Việt ngang ngửa với mình. Một chị có tên là Hằng nói rằng, gia đình chị ba đời ở Thái. 40 năm nay, chị chưa từng về Việt Nam do bận rộn buôn bán, nhưng ở nhà, mọi người vẫn ý thức về việc bảo tồn tiếng Việt.

Nụ cười trên hết

Hầu hết các chợ đêm đều mở cửa từ khoảng 6 giờ chiều đến hơn 11 giờ khuya. Mọi hoạt động đều diễn ra khá hòa nhã. Những người hành khất cũng “hành nghề” trong trật tự: Chỉ ngồi lặng lẽ bên vỉa hè và chắp tay trước ngực xá liên tục khi nhận lòng hảo tâm của người qua lại. Trong chợ, du khách tha hồ ngắm nghía, dọ giá, thử đồ, lựa chọn... mà không gặp phải bất kỳ sự phiền hà nào từ người bán.

Dù bạn có mua hay không, họ vẫn mỉm cười. Sự chèo kéo, nài ép khách mua hàng cũng không hề xuất hiện. Tuy nhiên, du khách cũng thường được hướng dẫn viên nhắc nhở phải cẩn thận để không bị hớ. Giá sản phẩm hay bị “hét” ở mức gần gấp 3 lần giá trị thực, và bạn phải tùy cơ ứng biến để bảo toàn túi tiền.

Giá cả được những cô gái bán hàng trẻ nói rất rành rọt, lưu loát bằng tiếng Anh. Không chỉ mua bán, họ cũng là những thuyết minh viên sẵn sàng giới thiệu cho du khách về sản phẩm và làng nghề của họ. Nếu người bán không biết tiếng Anh, việc giao dịch sẽ diễn ra thông qua chiếc máy tính cá nhân. Chủ hàng bấm các con số chỉ số tiền, và người mua trả giá bằng cách bấm một dãy số khác theo ý mình.

Tại bất kỳ chợ đêm nào của Thái, người ta đều dễ dàng bắt gặp những nghệ sĩ đường phố đang say sưa với tác phẩm của mình. Nhiều nhất vẫn là các họa sĩ ngồi bệt dưới đất vẽ và bán tranh chân dung hoặc ký họa chân dung cho du khách. Một chàng trai trẻ chơi đàn vĩ cầm đứng ở góc chợ làm bao người ngây ngất. Những cô sơn nữ mang áo xống rực rỡ của người dân tộc miền núi cũng góp thêm vào sự nô nức của cảnh chợ bằng các loại nhạc cụ đặc trưng.

Một “món” thường có mặt ở khắp các chợ là mát-xa Thái. Chỉ cần chưa tới 200 baht, các thượng đế đã có thể thưởng thức “món” tẩm quất rất nổi tiếng của người Thái, lấy lại sức lực để tiếp tục cuộc hành trình ngày mai, sau một ngày dong duổi khắp nơi trên đất nước này.

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT