Hành trang lữ khách

Hồn phố cổ Bao Vinh, Huế

Cập nhật: 14/07/2010 09:33:20
Số lần đọc: 4043
Nằm ở vị trí ngã ba Sình trông ra cửa biển Thuận An không xa, Bao Vinh - khu phố cổ bên bờ sông Hương từng là một thương cảng nhộn nhịp bậc nhất của cố đô Huế.

Cảng cổ Thanh Hà sát bên Bao Vinh trước đây là một nơi có nhiều người Hoa sang sinh sống. Nghề buôn bán khá phát đạt. Những thương thuyền từ khắp các nơi trên thế giới đã đến đây trao đổi vật phẩm, hàng hoá. Sau gần một thế kỷ tồn tại, Bao Vinh đã từng được ghi nhận như một trung tâm buôn bán và du lịch hấp dẫn. Năm 1885 kinh đô Huế thất thủ vào tay quân Pháp. Bao Vinh bị tàn phá rất nhiều và mai một dần từ đó.

 

Xưa kia người ta đi về Bao Vinh bằng xe ngựa. Ngày nay, du khách thường đến Bao Vinh từ thành phố Huế bằng thuyền rồng, qua một nhánh nhỏ của sông Hương là sông Đông Ba, đi bộ một đoạn là tới cầu Bao Vinh. Qua khỏi cầu là thị trấn Bao Vinh với một con phố duy nhất, bề ngang rất hẹp, chỉ dài chừng 300m.

 

Từ ngoài sông Hương nhìn vào, Bao Vinh có dáng dấp từa tựa Hội An, với những ngôi nhà lợp ngói liệt, lưng quay ra sông. Đường phố Bao Vinh cũng giống như phố cổ Hội An với những nếp nhà thấp lè tè, nối nhau san sát. Có con đường nhỏ chia cắt hai dãy phố. Sau lưng những ngôi nhà cổ là con sông trong xanh, nhìn sang làng “ Hoa giấy ” Thanh Tiên và làng Sình chuyên nghề vẽ tranh thờ cúng.

 

Phố chợ Bao Vinh bây giờ khá nhộn nhịp và có vẻ ngoài hiện đại hơn. Ngoài những mặt hàng thủ công mỹ nghệ như mây tre, nứa chợ cũng có bán những nồi, niêu, bếp lò và những sản phẩm nung từ đất của làng Phước Tích. Trước đây, mặt hàng chính được buôn bán ở khu phố dọc sông Đông Ba về đến Bao Vinh là tre nứa, cũng chính vì thế mà con đường men theo cái chợ nổi tre nứa ấy được gọi tên là phố Hàng Bè.

 

Phố cổ Bao Vinh là một di tích văn hóa có giá trị của Huế. Giống như Hội An, phố cổ Bao Vinh cũng từng một thời sầm uất, là diện mạo phố thị của kinh đô Huế trước khi có phố chợ Đông Ba. Có một điều là Hội An được trở thành di sản văn hoá thế giới, còn phố cổ Bao Vinh đang lụi tàn.

 

Năm 1991 Bao Vinh còn 39 ngôi nhà cổ, những ngôi nhà này có niên đại từ 150 đến 200 năm tuổi, nhưng nay đã bị hư hỏng nặng nên chủ nhà đành phá đi xây lại nhà mới.

 

Một ít những ngôi nhà cổ còn sót lại nằm nép mình bên những ngôi nhà cao tầng. Kèo cột, mái ngói run rẩy trước những cơn giông bão, đón chờ sự hủy hoại của thời gian.

 

Nhà mới mọc lên càng nhiều, càng khang trang chừng nào thì nhà cổ lại càng sập xệ, tan nát hơn.

 

Nhưng đến với Bao Vinh hôm nay vẫn còn bắt gặp đâu đây cái không gian sinh tồn đầy mê hoặc, nhất là khi nắng chiều chầm chậm ngả xuống sông Hương và bóng tối dâng tràn lên phố xưa.

Nguồn: website báo Phụ Nữ

Cùng chuyên mục