Hành trang lữ khách

Thưởng ngoạn Tản Viên sơn

Cập nhật: 29/07/2010 15:10:04
Số lần đọc: 2077
Nằm trong Vườn Quốc gia Ba Vì, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội hơn 60km, núi Tản Viên được ví như “mái nhà” của Đồng bằng Bắc Bộ, với độ cao trên 1.200m so với mực nước biển. Đặc biệt, nơi đây có rất nhiều cánh rừng nguyên sinh với thảm thực vật đa dạng, phong phú. Không chỉ có cảnh quan kỳ vĩ, nơi đây còn có đền thờ Sơn Tinh (Đức Thánh Tản Viên) rất linh thiêng.

Từ Hà Nội, chúng tôi theo Quốc lộ 32 lên Ba Vì. Đến lối rẽ vào Vườn Quốc gia Ba Vì, không khí đã bắt đầu thay đổi. Mới nóng bức, bụi bặm là thế, vậy mà khi lên đến lưng chừng núi, không khí bỗng trở nên vô cùng mát mẻ, dễ chịu bởi hàng cây xanh tỏa bóng mát rợp hai bên đường. Càng lên cao, cây rừng càng đan dày. Đến điểm cao 400m (cốt 400), chúng tôi dừng lại nghỉ ở khu văn phòng của Vườn Quốc gia Ba Vì với những thảm cỏ xanh mơn mởn. Đặc biệt, ở đây còn có bể bơi khá sâu, nước bốn mùa trong vắt. Sau khi nghỉ lấy sức, chúng tôi tiếp tục chặng đường khám phá Tản Viên.

Từ đây, con đường nhựa độc đạo dẫn lên đỉnh núi bắt đầu thu hẹp dần. Một bên là vách núi dựng đứng qua năm tháng, rêu và các loại dương xỉ đã bám lên một lớp dày; một bên là rừng xanh thăm thẳm, thâm u. Thi thoảng, chúng tôi bắt gặp vạt rừng keo đang trổ hoa vàng rực, hay những cây gỗ lớn đến 2-3 người ôm. Đường đi rất thanh vắng, đến nỗi chúng tôi có thể nghe thấy tiếng nước đọng trên vách đá rơi tí tách, hay những chú chim rừng đang ríu rít chuyền cành.

Qua tìm hiểu, Vườn Quốc gia Ba Vì, nơi Tản Viên sơn sừng sững ngự trị có 36 loài thực vật quý hiếm có tên trong sách Đỏ Việt Nam và sách Đỏ Thế giới như bách xanh, thông tre, sam bông, sến mật... Đặc biệt, nơi đây có những loài thực vật đặc hữu chỉ có tại Ba Vì như sặt, thu hải đường, trân châu... Ngoài ra, rừng núi Tản Viên còn được ví như một kho thuốc Nam quý giá với 503 loài cây dược liệu, trong đó có những loài quý hiếm như hoằng đằng, huyết đằng, râu hùm, bát giác liên, hoa tiên... Hiện, một số loài cây đã được đồng bào Dao ở Ba Vì nhân giống và chế biến thành những bài thuốc rất công hiệu.

Cách cốt 400 không xa, chúng tôi bắt gặp một khu phế tích do thực dân Pháp để lại, trong đó có nhà thờ cổ, cô nhi viện, khu quân sự và khu sinh hoạt của sỹ quan Pháp, trại tù (cốt 1.100). Đứng tại khu nhà thờ cổ và cô nhi viện, chúng tôi thật sự bị cuốn hút bởi khung cảnh vừa hoang tàn, vừa cổ kính với những bức tường đầy rêu phong, cây cối đan nhau chằng chịt.

Lên đến gần đỉnh, núi thắt lại một chút, sau đó lại xòe ra như chiếc ô, chính vì thế người ta mới gọi đây là núi Tản. Đỉnh núi có đền Thượng, thờ Sơn Tinh. Trong dân gian có câu: “Nhất cao là núi Ba Vì, thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”, song thực tế núi Ba Vì chỉ cao 1.296m, núi Tam Đảo cao hơn, 1.581m, nhưng do núi Tản là nơi ngự của thần Tản Viên nên được nhân dân tôn vinh là ngọn núi cao nhất, thiêng liêng nhất. Truyền thuyết kể rằng, núi Ba Vì là do Sơn Tinh dùng quyền phép nâng núi lên cao để ngăn nước lũ, chống lại Thủy Tinh.

Sau khi leo 779 bậc đá phía Tây lên đỉnh Vua để viếng đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi quay trở lại thăm viếng đền Thượng nơi thờ Đức Thánh Tản. Đây là ngôi đền nhỏ, song vô cùng đặc biệt vì lưng đền dựa vào vách đá cao sừng sững, mặt tiền hướng ra phía Đông, đón ánh mặt trời vào mỗi buổi bình minh. Xung quanh đền là rất nhiều cây cổ thụ, rễ cây rủ lòa xòa xuống mái đền, quanh năm tỏa bóng mát.

Sau khi viếng đến Thượng, chúng tôi leo lên điểm cao nhất của Tản Viên. Nơi đây có một chiếc lầu tám góc nhỏ, bên trong đặt tượng Địa mẫu đứng trên quả địa cầu. Từ đỉnh cao này, mọi người có thể phóng tầm mắt nhìn ra xung quanh, trước mặt là dòng sông Đà trong xanh như dải lụa mềm uốn lượn qua bao làng mạc trù phú; nhìn về phía Đông, thấp thoáng dưới những đám mây trắng xóa, Thủ đô Hà Nội với những khu dân cư san sát, những tòa nhà chọc trời. Thế mới biết, Tản Viên sơn chiếm vị trí rất quan trọng không chỉ về mặt địa lý mà còn về mặt tâm linh trong đời sống người dân xứ Đoài.

Nguồn: KTNT

Cùng chuyên mục